Phần trả lời của chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóXin chào chị, về giáo án, tôi rất tiếc không thể lên một giáo án chi tiết vì tôi chỉ mới biết bé qua những lời mô tả của chị mà chưa được thực hiện khám thẩm định bằng những dụng cụ, bài thi của tôi. (Điều đó không có nghĩa là những mô tả của chị không chính xác, chị nhé.) Tuy nhiên, tôi sẽ đưa một số đề nghị, mong chị hiểu cho.
bé thích xem hình trong Album gia đình, bé biết để ý xem người khác làm gì( những hành động bé ít thấy thì sẽ được bé chú ý nhất), bé có khả năng bắt chước khá nhanh( nhưng do còn kém tập trung nên thích thì làm không thích thì không thực hiện dù cố ép), bé thích vẽ lung tung, bé thích làm điệu trước gương, bé biết tự mặc quần và áo cổ tròng dù chưa khéo lắm, bé thích nghe nhạc thiếu nhi( lúc trước bé múa được 2 bài: cháu yêu Bà và ngày 8/3, nhưng sau này không múa nữa), có lúc bé hát theo bài hát " chúc bé ngủ ngon" của đài truyền hình VTV3 ( chỉ à ơi à à ơi và ma ma ma, theo đúng điệu nhạc), bé chơi lắp hình khối vào chỗ trống rất khéo, rồi biết chơi xỏ xâu những hình khối, biết xếp chồng hình khối, biết chơi trò lego nhưng xếp ngẫu hứng chứ không biết lắp ráp theo hình hướng dẫn... vậy thì nên áp dụng bài học nào cho bé là tốt nhất( bé chưa nói, kém tập trung và thích leo trèo, lăng xăng suốt ngày)
Vậy là ưu điểm của bé gồm có khả năng quan sát người/hình ảnh, biết quan sát mình trong gương, biết tự mặc quần áo (dù còn lọng cọng chút chút), biết nhìn ra âm/dương của hình ráp, biết xỏ xâu/xếp chồng. Khuyết điểm của bé là khả năng nói, khả năng tập trung, khả năng làm theo yêu cầu (không phải bé không biết làm mà không chịu làm).
Tôi nghĩ chị có thể bắt đầu từ những khuyết điểm ấy bằng cách khởi đi từ những ưu điểm.
1. Trước tiên vẫn là khả năng ngồi yên để học. Chị dọn cho cháu bàn học ở chỗ yên tĩnh. Nếu cháu hay chạy, ghế của cháu nên ở trong góc, và cô ngồi bên ngoài. Nếu cháu dẫy đạp hay thả người té xuống, chị che những góc nhọc của bàn ghế lại. Ghế của cháu ngồi nên vừa với tầm của cháu, tránh những chiếc ghế khiến chân cháu đong đưa mà không chạm đất. Chị tìm cho cháu cái đồng hồ nấu ăn, và cài thời lượng trên mức cháu có thể ngồi yên khoảng 5 phút. (Đã ngồi được 5 phút, cài 10 phút). Dù cô giáo đến 2 tiếng, chị nên tách ra cứ 10 phút trên bàn, thì có 10 phút dưới sàn, 10 phút ngoài sân... Mình tăng thời lượng này dần dần.
2. Về kỹ năng làm theo điều cô yêu cầu, tôi nghĩ cô có kinh nghiệm sẽ mềm mỏng và nghiêm khắc đủ. Chị có thể hỗ trợ cô bằng cách a) không có mặt nơi cô dậy cháu nếu cháu ỷ vào mẹ mà không nghe lời, b) giới hạn âm thanh, hình ảnh, và hoạt động nơi cháu học, b) cho cháu biết cháu có thể được thưởng nếu học ngoan.
3. Khả năng nói: vì cháu biết quan sát hình ảnh, chị có thể tìm những hình vừa tầm hiểu của cháu, rồi cô dậy cháu gọi tên sự vật, mô tả chức năng của sự vật, mô tả màu sắc/kích cỡ của sự vật... Chị cũng có thể chọn loại hình có nhiều chi tiết nếu cháu có khả năng quan sát, rồi cô giúp cháu nói: "Con gấu mầu nâu này nhỏ hơn cái cây, nhưng to hơn con thỏ"... Nếu cháu nói còn yếu, cô nói mẫu câu và cho cháu điền vào chỗ trống. Cô nên cho cháu thời gian để suy nghĩ và tìm chữ thay vì ngay lập tức nhắc chữ cho cháu. Dậy nói khi cho đồ ăn là tình huống lý tưởng, dù không nên thực hiện ở bữa ăn chính của cháu. Trời đánh tránh miếng ăn, chị nhỉ. Khi cô đến, chị có thể tìm những món cháu thích ăn để cô làm quà thưởng. (Tránh đồ ngọt chị nhé).
Bé có tính hiếu động, tôi nghĩ chị nên sắp xếp những giờ đi bộ, bơi lội, đạp xe... để cháu sử dụng bớt năng lượng trong ngày. Cô giáo, nếu có thể, cứ đi bộ một vòng quanh xóm, vừa đi vừa mô tả nhà này nhà kia, chiếc xe này chiếc xe nọ. Đó cũng là lúc học ngôn ngữ lý tưởng, mà lại là hình thức thể dục để đáp ứng nhu cầu hoạt động của cháu.
Trên đây là những gì tôi nghĩ đến dựa trên mô tả của chị, và tôi biết có thể còn thiếu. Là mẹ của cháu, chị biết cháu rõ nhất, và có những mong đợi nhất định của bậc làm mẹ cha. Chị ngồi xuống, bình thản điểm lại xem chị muốn cháu làm được những gì trong vòng sáu tháng sắp tới, rồi cho tôi biết. Chúng ta thảo luận thêm, chị nhé. (Cùng xin nhắc là chị đừng liệt kê 1000 điểm cho bé Su, bé học không nổi tội nghiệp. Mình chọn những gì cần thiết và khó khăn nhất để "tấn công" trước). Có gì chị cho tôi biết kết quả sơ khởi nhé.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK