Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóXin chào bạn.
Tại trường của tôi, có một em học trò chậm phát triển trí tuệ, 6 tuổi chừng. Bé K có vẻ hơi ù lì, nhút nhát hay tránh mặt người lạ. Chừng 2-3 tháng nay, bé hay lấy tay tự đánh vào ngực của mình và đánh rất mạnh. Lúc trước bé tự đánh khi ở nhà với bố mẹ nhưng nay bé làm thế ngay ở trường và làm thường xuyên nhất là khi đang chơi với bạn hay khi nói chuyên với ai đó. cứ nói một câu là đấm vào ngực mình một cái, cản không được. Lúc trước thì ít nhưng nay nhiều hơn, thường xuyên hơn. Bé thuộc nhiều thơ và bài hát (trí nhớ thính giác rất tốt), thích chơi khều vào bạn và nói lảm nhảm những từ khó hiểu. Bây giờ bé phát âm rất rõ theo sau cô giáo những từ mới nhưng lại không hề nhận diện được hình ảnh, chữ hay số. Tuy nhiên bé có thể trả lời rất đúng nhiều câu hỏi trong đời sống và làm theo các hiệu lệnh của người lớn. Vậy cần phải làm gì để giảm việc bé tự đánh mình như thế và có cách nào giúp bé phát triển trí nhớ thị giác?
Trước tiên, về chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ, có lẽ bạn nên tham khảo lại với phụ huynh của bé để biết đây là chẩn đoán chính xác. Thường ra, thói quen đánh vào ngực có thể không xuất hiện ở những em chậm phát triển trí tuệ.
Bạn thử tìm cách quan sát xem vào những lúc nào, môi trường ra sao (âm thanh ồn, đông người, khi bé bực bội...) thì bé đánh vào ngực. Điều chỉnh môi trường đi kèm với điều hòa cảm giác có thể là điều bé đang cần.
Trí nhớ thị giác có lẽ không là kỹ năng đứng riêng lẻ, mà trong trường hợp này đi chung với nhận thức. Trí nhớ thị giác trước tiên liên quan mật thiết với khả năng quét của mắt để nhận thông tin từ hình ảnh, chữ viết; kế đó não bộ giúp nhận ra ý nghĩa của thông tin. Có em nhìn hình trắng đen tốt hơn hình màu, có em ngược lại. Ngoài ra, có những trẻ em có thể nhận ra hình ảnh rất tốt, hiểu ý nghĩa của hình ảnh, nhưng khả năng bày tỏ của ngôn ngữ chưa cho phép các em biểu lộ trí hiểu của mình. Cũng có những em vì hành vi và độ đáp ứng với yêu cầu của người khác chưa có nên sẽ không đáp ứng khi học. Có em chỉ đơn giản là không biết chỉ ngón tay vào hình mà người khác muốn mình chỉ khi họ gọi tên.
Nói chung, bạn hỏi hai câu hỏi khá lớn của hai lãnh vực hành vi (hoặc điều hòa cảm giác) và nhận thức.