Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóChào Gấu Mẹ, con to cỡ nào mà đòi làm mẹ của gấu thế?
Tường Anh ơi, sáng nay mình đưa con (>2,5 tuổi) đi khám ở XXX, cô kỹ thuật viên giao tiếp bảo cháu bị rối loạn phát triển + chậm nói. Mình đã đăng ký cho cháu đi học nói. Cô KTV nói là bệnh ông vua hay ông chủ gì đó. Có phải do mình quá chiều cháu hoặc không kiên nhẫn bắt cháu làm/nói theo yêu cầu của người lớn?
Theo mình biết thì
XXX hiện không có chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Với những luật lệ ở chỗ mình đang làm việc thì chỉ có bác sĩ nhi khoa hay phân tâm mới có quyền đưa ra chẩn đoán về rối loạn phát triển. Và chỉ có chuyên viên ngôn ngữ trị liệu (cho phép mình tránh chữ chuyên gia) mới có thể đưa chẩn đoán chậm nói. Các đơn từ giới thiệu từ bác sĩ nhi khoa hay phân tâm gửi đến chuyên viên ngôn ngữ trị liệu chỉ ghi: "Nói ít so với số tuổi (hoặc nói ngọng), xin giới thiệu để thẩm định". Ngược lại, khi một chuyên gia ngôn ngữ thấy có nhiều biểu hiện khác đi kèm mà không chỉ là chậm nói, họ sẽ viết giấy giới thiệu đến bác sĩ nhi hay phân tâm, và chỉ ghi "Có những biểu hiện như xxx, bbb, ccc.... Xin nhờ bác sĩ thẩm định". Nói chung là khi không phải chuyên môn của họ, họ không đưa ra tên rối loạn bao giờ, và dĩ nhiên cũng không kết luận gì.
Khi em bé nào đó đến gặp bác sĩ nhi, phân tâm, hay chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, họ sẽ thẩm định một cách chính thức và toàn bộ, chứ không chỉ quan sát 20 phút, nửa tiếng mà đưa ra kết luận. Những bài thẩm định của họ là loại test được tiêu chuẩn hóa, nghĩa là đã được nhiều ngàn hay nhiều chục ngàn em bé ở mọi độ tuổi tham gia để tìm ra độ tuổi của kỹ năng có trong test ấy.
Kiến thức và kinh nghiệm của các kỹ thuật viên giao tiếp là gì, mình không biết, nhưng là kỹ thuật viên thì không nên đưa ra chẩn đoán gì.
Với loại rối loạn mà Việt Nam mình đang gọi là hội chứng con vua, CCM không có bình luận về phía chuyên môn của các bác sĩ và chuyên gia tại Việt Nam. Mình chỉ có thể nói rằng từ 40 năm trước, Hoa Kỳ cũng đã từng nghĩ rằng các bé có rối loạn Asperger là do gia đình quá nuông chiều. Hiện nay, những em bé hư hỗn vì được nuông chiều có lối hành xử hoàn toàn khác với những em bé Asperger ít nói, nói không rành mạch, hay có những hành vi nào đó. Ngoài ra, là chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, mình xin nói với bạn rằng KHÔNG CÓ một em bé nào - dù Việt hay Mỹ, Tàu hay Nga - lại không nói chỉ vì cha mẹ nuông chiều.
Đối với bé nhà bạn, vì mình chưa biết gì về bé, nên không thể nói với bạn rằng bạn có đã quá chiều con hay không, hoặc bé có chậm nói không, có biểu hiện rối loạn gì không. Bạn kể thêm cho mình nghe nhé.
Rối loạn phát triển là gì? Nguyên nhân? Cách điều trị? Chứng rối loạn này có hết khi cháu lớn không?
Rối loạn phát triển là... rối loạn phát triển!
Thực ra thì cô kỹ thuật viên nói đến loại nào, mình không rõ. Có 2 loại: pervasive developmental disorder (rối loạn phát triển lan tỏa, hình như bên VN dịch thế) và specific developmental disorder (chưa thấy ai dịch gì hết). Loại một là hình thức phát triển không theo chuẩn, đặc biệt ở các kỹ năng ngôn ngữ và giao tế. Loại hai là hình thức phát triển không theo chuẩn khiến một cá nhân có khó khăn trong học tập và cả kỹ năng phối hợp (nhưng ngôn ngữ và giao tế không đến nỗi kém như loại 1).
Về nguyên nhân, đã nhiều chục năm qua, các nhà khoa học Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra nguyên do chính xác. Thuốc chủng ngừa thì đã biết là kh ông phải nguyên nhân. Ngộ độc thủy ngân hay chì cũng còn trong vòng nghi vấn. Di truyền là yếu tố có vẻ rõ ràng ở nhiều ca.
Hai loại rối loạn này không phải là bệnh, nên sẽ không tan biến, không chữa khỏi bằng dược liệu. Có lẽ đây là câu nói mà không bà mẹ, ông bố nào muốn nghe khi biết con mình có rối loạn nào đó. Điều mình xin bạn là hãy bình tĩnh. Một chẩn đoán phải chính xác là yếu tố bạn cần. Nếu bạn thấy lo ngại, thấy con có những biểu hiện nào đó, bạn nên tìm một bác sĩ nhi giỏi.
Có một em bé đã được mẹ nhất định nài nỉ CCM thẩm định vào tháng 12 này. Và mình là trưởng nhóm chuyên gia đã nhất định từ chối. Bé cũng đã được khám bởi ai đó, đã có chẩn đoán tự kỷ nặng. Tuy nhiên, khi mẹ bé kể cho chúng mình nghe, thì toàn nhóm chuyên gia đồng ý rằng bé chưa có dấu hiệu gì đáng báo động. CCM đã cố vấn cho mẹ bé cách kích thích con học nói, và xin mẹ bé thường xuyên cập nhật với CCM để theo dõi phát triển.
Mình không gieo hy vọng hão, hay đe dọa phụ huynh, nhưng bạn cứ bình tĩnh đã, cứ kể cho mình nghe xem con thế nào đã. Đừng lo quá rối lên đấy. Trở lại kể cho mình nghe xem con làm sao ngay nhé.