gửi bởi admin » T.Ba Tháng 4 28, 2009 12:44 am
Lấy từ bài anh Phi đăng:
Cắt tóc cho bé
Đưa bé tới chỗ cắt/hớt tóc cũng giống như đưa bé đi bác sĩ hay nha sĩ. Những dụng cụ y khoa nhìn thấy đã sợ như kéo, kìm nhổ răng, ống tiêm và ngay cả những mùi lạ như thuốc gây mê, mùi keo xịt tóc... là những cái làm cho bé sợ. Ngay cả việc ngồi chờ cũng làm cho bé hồi hộp không biết chuyện gì xảy ra, và khi người ta kêu bé lên ghế và nói chữ “cắt tóc”, bé lập tức liên tưởng tới việc bị cắt, bị xâm phạm...
Bạn có thử những điều sau đây chưa:
1. Đừng dùng chữ “cắt” hay “hớt”. Những động từ đó có thể làm bé liên tưởng đến việc bị làm cho đau đớn. Hãy thử dùng những câu như “làm đẹp cho bé”, “làm cho tóc gọn gàng, cho bé sáng sủa”, hay “sửa soạn cho bé để ngày mai bé đi chơi sang nhà ...”. Hãy nghĩ ra một việc mà bé thích làm rồi liên hệ việc đó với việc cắt tóc. Nhớ là bạn không nên chỉ nói là “đi cắt tóc rồi mẹ cho ...” mà phải liên hệ hai việc đó với nhau. Ví dụ như bé thích đi Sở thú thì đi cắt tóc tức là “làm đẹp cho bé để 2 mẹ con mình đi Sở thú”.
2. Ghế ngồi cắt tóc thường được chỉnh lên xuống làm cho chân bé không chạm được xuống đất, tăng thêm nỗi sợ hãi cho bé. Bạn nên nói tiệm kiếm cho bạn một cái ghế mà bé đã quen thuộc (hoặc ít ra thì cũng tương tự như vậy) để bé yên tâm, và nhớ để chân bé chạm được mặt đất.
3. Ghế ngồi cắt tóc thường rất to vì là ghế cho người lớn. Nhớ lấy khăn hay gối chêm 2 bên để bé cảm thấy yên tâm.
4. Yêu cầu người cắt tóc cho con bạn dọn dẹp bàn, đừng để bé thấy các dụng cụ ghê sợ không cần thiết. Bé cắt tóc thì không cần phải bày đồ lấy ráy tai hay dao cạo râu ra trên bàn. Những vật kim khí sáng loáng cũng thường làm bé sợ. Nếu khăn quàng để cắt tóc có mùi lạ thì bạn hãy mang theo một cái khăn riêng ở nhà.
5. Đừng để bé ngồi xoay mặt vào gương. Khi bé nhìn thấy kéo và kẹp tóc trên đầu, bé sẽ hoảng sợ. Cố gắng dùng kéo đầu không nhọn và bằng nhựa để tránh nguy hiểm cho bé. Ngay cả lược cũng nên dùng lược nhựa (để tạo cảm giác mềm mại).
6. Đưa bé đi cắt tóc vào ngày nào vắng người nhất. Nếu tiệm có mở nhạc thì xin họ mở nhỏ lại. Nếu bạn rảnh thì chở bé tới đó một vài lần trước để bé quan sát làm quen (chỉ tới ngồi rồi về chứ không cắt). Nhớ đừng đưa đi cắt tóc vào những lúc bé hay mệt mỏi.
7. Có người khuyên đưa bé đi sớm để bé làm quen với mọi việc xung quanh trước khi vào cắt, nhưng có người lại khuyên là nên đúng giờ, đưa bé vào cắt tóc ngay lập tức để bé khỏi sợ sệt hồi hộp. Mẹ của bé phải tìm hiểu xem kiểu nào hợp với con mình.
8. Mang theo đồ chơi để bé đừng quá tập trung vào việc bị cắt tóc.
9. Để ý xem tiệm cắt tóc có cho kẹo cho bé không. Nếu bé kiêng đường mà cô thợ lại thưởng cho bé một cái kẹo sau khi cắt xong thì không được. Bạn phải biết trước để tránh, và nếu muốn có thể mang cái gì đó mà bé thích, rồi lén đưa cho cô thợ để cô thưởng cho bé khi cắt xong.
10. Mang theo 1 cái áo cho bé thay khi cắt xong. Bé sẽ không thích bị những mảnh tóc ngắn đâm vào người.
11. Bạn có nghĩ đến việc mua một con búp bê cũ và một bộ kéo đồ chơi cho bé tập cắt tóc cho búp bê chưa?
Haircut.jpg
Haircut.jpg (78.69 KiB) Đã xem 61 lần.
Hình: phải 3 người mới cắt được cho bé.
Nếu bạn cho bé gội đầu sau khi cắt tóc thì bạn cũng nên để ý những điều sau:
1. Đừng để nước chảy vào mắt, mặt và tai bé. Mang kính bơi và nút tai cho bé đeo.
2. Xịt nước từ phía sau chứ đừng cầm vòi sen xịt từ phía trước, tránh để bé thấy vòi nước có thể xịt vào mặt mình.
3. Dùng ít dầu gội đầu để xả cho nhanh. Trước khi xả thì nói cho bé biết là sẽ phải dùng bao nhiêu cốc nước để xả, rồi bắt đầu đếm để bé biết chừng nào xong. Nếu dùng cốc thay vòi sen thì cũng dội từ phía sau thay vì từ phía trước mặt.
4. Có loại dầu gội đầu không có mùi. Bạn kiếm thử xem chỗ bạn ở có bán không?
5. Không nhất thiết phải gội đầu cho bé mỗi lần bé tắm (mới cắt tóc xong thì tất nhiên phải gội rồi). Trẻ em phương Tây thì chỉ cần gội 1 hay 2 lần một tuần, và tất nhiên mẹ bé phải biết con mình cần bao nhiêu lần, tuỳ vào môi trường ở hoặc việc bé ở nhà cả ngày hay ra ngoài thường xuyên.
6. Để nước ấm, đừng quá lạnh hay nóng. Nếu bé không thích để người khác vò đầu mình thì hãy tập cho bé tự vò và xả nước. Nếu gội ở nhà thì bạn cũng nên để bé té nước vào mẹ, đùa nghịch với bé để bé vui vẻ.
7. Nếu bé còn nhỏ và có khuynh hướng hay mút thì phải cẩn thận, để xà phòng vào những chai mà bé không mở được.