Tôi mới biết đến từ ODD này khi đọc diễn đàn concuame. Tôi muốn hỏi những hành vi sau của con trai tôi có phải là dấu hiệu của ODD và nên giải quyết chúng thế nào:
- Thông tin về cháu
+ Cháu 5 tuổi 7 tháng
+ Dianogsis ASD hồi hơn 2 tuổi (viện nhi TW), sau đó can thiệp trị liệu ngôn ngữ, về hành vi nhận thức từ đó đến bây giờ
+ ngôn ngữ hiểu gần bằng trẻ bình thường, ngôn ngữ bày tỏ có tiến triển đều (tương đối chủ động), tuy còn kém các bạn
+ tiếp thu được, gần đây đã tự biết kết nối thông tin (ví dụ mẹ buồn vì con nghịch quá, bố công tác nên không đưa con đi chơi được, giẫm lên cái này thì được - cái kia thì không được đâu) và ít nói vẹt như trước, trí nhớ rất tốt.
+ đi học lớp bình thường từ hồi 2 tuổi hơn, ban đầu không theo được. Từ khi có cô giáo đi cùng (shadow aid), đã theo được nề nếp lớp, không có nhiều hành vi lắm ở trường
+ thích có các bạn ở quanh mình nhưng chưa biết kết nối và duy trì mối quan hệ, vẫn còn chơi một mình
+ rất tò mò và hoạt bát tự khám phá môi trường xung quanh một mình.
+ có xu hướng điều khiển, chi phối mọi người: biết đánh lạc hướng bố mẹ khi bị phạt, đòi tổ chức mọi thứ theo ý mình...
- Vấn đề nổi cộm của cháu - hành vi khi ở nhà với bố mẹ ông bà đặc biệt tệ.
+ Cháu hay vứt ném các đồ vật cháu không còn thích nữa từ tầng trên xuống từ khi 2 tuổi đến tận bây giờ:
Cháu rất thích thú đứng quan sát vật đó rơi xuống như thế nào. Vì thế nên tôi đã cố gắng dạy cháu làm máy bay, chong chóng từ giấy phế liệu để thả. Và dạy cháu không thả những vật còn dùng tốt. Tuy nhiên cháu vẫn ném: từ chìa khóa, đến thẻ tranh, máy tính (calculator).... Hành động của cháu thường rất bột phát impulsive nên mọi người thường không lường trước để ngăn kịp.
+ Cháu hay có những hành vi rất khó chấp nhận: ném zigsaw puzzle vào lavatory lúc đang đi toilet, rót nước tràn ra nhà có chủ ý (vận động tinh của cháu rất khá), nhổ nước ra sàn nhà khi đang đánh răng. Cháu thường tỏ ra rất thích thu khi làm được những việc này. Vài ngày sau, cháu vẫn nhớ đến sự việc đó và cười. Khi tôi hỏi cháu vì sao cười, cháu nói "Con ném xếp hình vào bệ xí...." ý cháu là cháu đang nhớ lại những lúc đó.
+ Cháu phản kháng rất mạnh khi không được làm theo ý mình: tát mẹ, đánh bà, ăn vạ, xô đẩy đồ đạc ...
- Cách giải quyết của gia đình từ trước đến nay:
+ Khi cháu ném tôi thường yêu cầu cháu xuống nhặt, có khi cháu ném xuống nóc nhà hàng xóm thì tôi không thể yêu cầu cháu nhặt được
+ Khi cháu làm bừa thì tôi thường yêu cầu cháu dọn dẹp
+ Gần đây tôi thử ném 1 vật cháu thích đi khi cháu ném đồ thì cháu rất sững sờ, ngạc nhiên. Tôi còn thử áp dụng time out. Khi tôi cho cháu vào buồng phạt, cháu tự đếm và nói đến 10 thì con sẽ ra nhé hoặc con xin lỗi mẹ. Thậm chí gần đây, cháu còn tự kể lại các trình tự mẹ hay làm khi phạt cháu: một - con làm thế có được không, hai - con xin lỗi mẹ chưa....
Tôi cảm thấy rất bất lực với hành vi của cháu. Các cô giáo can thiệp 1:1 và ở trường đều nói là cháu tương đối ngoan với các cô. Tôi cảm thấy hơi lo ngại là môi trường ở nhà có thể làm cháu hư (bà cháu hay nhượng bộ cháu và tuyệt đói không áp dụng các hình thức xử lý do tôi gợi ý, bố mẹ hay tranh cãi cách xử lý con trước mặt con...). Tôi đã cố gắng cải thiện phần nào, nhưng mọi người có vẻ không tôn trọng ý kiến của tôi và thống nhất cách giáo dục với tôi.
Chào bạn, lâu quá không thấy bạn trở lại. Hy vọng là bé tiếp tục có tiến bộ trong can thiệp.
Về ODD, tôi không nghĩ đây là rối loạn đang khiến cho bé của bạn có những hành vi như bạn đã mô tả. Các em ODD thường có trí thông minh và các kỹ năng phát triển đúng chuẩn. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng trí thông minh của các em vượt trên bạn đồng lứa khá xa. Ngoài ra, lối hành xử bất tuân luật lệ, qui định của các em diễn ra ở mọi tình huống, mọi môi trường (thay vì chỉ ở nhà, hay chỉ ở lớp).
Bé nhà bạn ngoan ngoãn tại lớp, nhưng đang khiến bạn buồn lòng do bé phá phách, tiêu hủy đồ dùng/đồ chơi, tấn công người thân... Tôi nghĩ rằng lãnh vực mà bạn đã biết - impulsitivity - của bé đang ở mức báo động.
Nếu bé hành xử thích hợp tại lớp, điều đó có nghĩa là bé kính nể cô giáo. Tại nhà, có thể do được ông bà và bố chiều, nên bé biết sẽ không có hình phạt nào khiến bé phải sợ.
Tôi rất thông cảm với bạn trong tình thế này. Lý giải làm sao với bố và ông bà của bé bây giờ? Điều tối kỵ trong huấn luyện hành vi là bố mẹ bất đồng, hoặc có ông bà cô chú đi ngược lại phương cách nên được thực hiện. Bạn thử nói với bố và ông bà của bé về chuyện bé sẽ ra sao nếu bé tiếp tục giữ thái độ ấy trong 10 năm tới. Cậu thanh niên 15, 16 tuổi lúc ấy sẽ có nắm đấm hay cú đẩy rất mạnh, ông bà và bố mẹ đối phó làm sao? Hành động bạo lực ấy sẽ không dừng lại ở người thân đâu, mà sẽ lan ra đến bạn bè, và ngay cả thầy cô (vì càng lớn thì các em càng ít sợ thầy cô). Chính quyền và xã hội sẽ không làm ngơ trước những hành vi như thế.
Hy vọng khi bố và ông bà nghĩ đến tương lai bé, họ sẽ cộng tác hơn. Nhưng bạn ơi, ngay khi họ không cộng tác, bạn cố đừng tranh luận gì trước mặt bé nhé. Bạn cố nhịn, bỏ đi phòng khác. Tranh luận chẳng được gì, mà bé lại biết nghe và để ý. Bé sẽ tránh mẹ, và làm nũng bố/ông bà. Bé cũng sẽ chứng kiến bố mẹ bất đồng. Thôi, nhịn đi bạn ạ. Bạn bức xúc, hãy vào diễn đàn, tôi và các phụ huynh khác sẽ chia xẻ cùng bạn. Mình tìm cách khác vậy.
Tôi sẽ không nói đến những gì bạn có thể làm tại nhà, vì không muốn gia đình căng thẳng. Mình quay sang cô giáo trước đã nhé.
Có cách nào bạn nói khó với cô giáo, hôm nào cuối tuần hay lễ nghỉ, mời cô đến nhà 1 buổi. Bạn cũng có thể quay lại những cảnh video mà bé hành xử bất xứng, và nói khó với cô, xin cô cho 30 phút gặp bạn cùng bé. Trước mặt bé và cô, bạn cho đoạn phim ấy chạy trên tivi, và để cô nói chuyện với bé.
Khoảng 2 năm trước, tôi cũng giúp một phụ huynh như thế khi con của anh chị ấy chơi computer quá độ, và sẽ ném đồ đạc, chửi thề, thậm chí đánh mẹ, nếu bị yêu cầu ngưng lại để đi ngủ. Tôi yêu cầu họ quay video, và rồi gặp cả nhà. Cậu bé 8 tuổi ấy xanh mặt, và hứa lấy hứa để là sẽ không làm thế nữa. Cậu nghiêm chỉnh khoảng 1 tuần, và sau đó lại có dấu hiệu quay trở lại hành vi cũ. Bố mẹ cậu nhắc: "Mẹ có cần gọi Mrs. Nguyễn không?" thì cậu ngưng.
Tôi tin rằng bé nhà bạn kính sợ cô, cũng sẽ phản ứng tốt. Điều khó là làm sao bạn nhờ được cô cộng tác. Tôi nghĩ cô sẽ không nề hà giúp học sinh, chỉ ngại là mình phải làm phiền cô ngoài giờ học.
Nếu cô đồng ý gặp bé rồi, cô sẽ cho bé một vài yêu cầu: thí dụ, 1) ngưng ném đồ trong nhà, 2) không được đánh mẹ hay ông bà... Rồi bạn làm cái bảng với hàng ngang là những gì cô yêu cầu, còn hàng dọc là ngày tháng. Sẽ có dấu đỏ nếu bé hư hỗn. Mỗi ngày bảng này theo bé đến lớp cho cô xem, rồi lại theo bé về nhà. Mỗi tuần, cô xem bảng và khen hay nhắc nhở bé thêm.
Bạn nói chuyện thử với cô xem nhé. Nếu cô đồng ý hay không, bạn cũng cho tôi biết với, để mình tiếp tục tìm cách hỗ trợ bé. Bạn đừng buồn bực vì bé. Nói cho cùng thì bé có rối loạn ASD chứ không phải muốn mẹ phải buồn đâu. Cố lên bạn nhé.