Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóHiện tại bây giờ, tôi vẫn băn khoăn là con tôi có còn tăng động hay không? Trước đây thì có. Nhưng bây giờ cháu rất ngoan trong giờ học, theo được nề nếp ở lớp, không lăng xăng loạn động. Khi đứng ngoài hàng rào xem con học những tiết ngoài trời trong sân trường, tôi thấy cháu còn tập trung hơn cả một số cháu bình thường khác. Theo mẹ đi siêu thị cũng rất ngoan, xem đồ xong là trả lại vị trí cũ, dù có thích đến mấy cũng không đòi nếu mẹ đã nói không đồng ý mua. Ở nhà, ngay hoạt động cháu không thích lắm như tô màu, cháu cũng tô đến hết bức tranh nếu được yêu cầu. Tuy nhiên cũng không hoàn toàn tập trung, có lúc vừa tô vừa nhìn ra chỗ khác, hoặc nài nỉ mẹ tô giúp hộ cho chóng hết.
Nhưng ra công viên có thể trở nên rất khó kiềm chế. Cháu chạy, xoay tròn, leo lên cây... tôi đã có lần tả rồi đấy. Đến nhà người lạ thì thật phiền phức. Cháu không e dè gì hết, tìm cách sờ mó lục lọi mọi thứ, đòi chơi hết thứ này đến thứ khác. Khi đón cháu đi học về, tôi thường cho cháu chơi tự do một lúc ở sân trường, nhưng cháu chẳng chơi gì cho ra hồn, cứ chạy quanh, nếu có bạn nào chạy cùng thì càng thích chí. Nếu nhập vào nhóm bạn nào đang chơi trò gì có luật lệ là cháu phá đám ngay.
Vậy là cháu vẫn còn tăng động hay thiếu kỹ năng xã hội ạ?
Chào mẹ con nhà Khoai. Tôi nghĩ rằng Khoai không tăng động mà quá tải với môi trường. Công viên là nơi rộng lớn, còn nhà người lạ thì lạ lẫm. Ở siêu thị cũng là nơi rộng lớn nhưng lại sắp đặt không gian thành khoảng nhỏ, che chắn bằng những kệ hàng. Siêu thị cũng là nơi ngoài căn nhà của Khoai, nhưng lại thành quen vì Khoai đã đến nhiều lần. Về sân chơi của trường, lẽ ra đấy phải là nơi quen thuộc. Tuy nhiên, khả năng dự tính và sắp xếp của Khoai không giúp Khoai có kế hoạch cho giờ chơi mà chị cho Khoai chơi khi học xong. Chị thử lên một kế hoạch xem sao: đầu tiên, Khoai đi bộ chậm và vừa đi vừa đếm cho đủ 20 bước, sau đó Khoai đi lượm cho mẹ 20 chiếc lá, kế tiếp Khoai leo lên cầu tuột... Nghĩa là có một chuỗi sinh hoạt cho Khoai có cảm giác kiểm soát được.
Khi Khoai phá đám bạn ở thời gian chơi sau giờ học, chị có thể giải thích những luật lệ ấy, và giúp Khoai hiểu rằng dù chơi trong giờ học hay sau giờ học thì luật lệ vẫn phải theo. Tôi có một bệnh nhân cũng thế, trong giờ học thì khi ra chơi cậu chơi đàng hoàng, nhưng trước hay sau giờ thì ôi thôi bạn bè khổ với cậu. Chúng tôi loay hoay mãi rồi thử nói với cháu rằng: cứ ở sân chơi thì phải chơi cho đúng cách. Thế là mọi chuyện yên ắng. (Đây cũng là điểm yếu của trẻ TK hay Asperger: học được một kỹ năng nhưng chưa hẳn đã áp dụng được kỹ năng này ở mọi tình huống).
Tôi cũng xin nhắc chị điều này: Khoai sẽ tiếp tục phát triển và tiến bộ, nhưng có những thói lệ vẫn phải giữ nếu chị muốn duy trì mức tiến bộ ấy. Thí dụ như vạch kế hoạch sinh hoạt chẳng hạn. Cậu bệnh nhân của tôi là học sinh giỏi, đã vào đại học, nhưng mỗi sáng đi học vẫn phải coi lại lịch trình sinh hoạt của ngày. Hôm nào quên coi, hay để quên ở nhà, cậu cứ lóng nga lóng ngóng, âu lo, hồi hôp... Có khi tay run lên nữa!!!
Tôi đang băn khoăn về thuốc và chương trình trị liệu y sinh gọi tắt là BIO. Các phụ huynh chỗ tôi theo BIO đều cho là rất tốt và rất tin tưởng vào chương trình. Nhưng tôi nhìn thấy việc phải kiêng ăn và uống rất nhiều thứ thuốc, làm rất nhiều xét nghiệm thì ngại quá. Một chương trình nữa là RDI, cuối tháng này phụ huynh chỗ tôi có mời chị chuyên gia tên là Maisie giới thiệu về RDI. Chị có thể cho tôi biết ý kiến của chị về BIO và RDI không? Hai chương trình này đều đang vượt quá khả năng kinh tế của nhiều gia đình, nhưng nếu nó thật sự là tốt cho con thì cũng nên cố gắng. Nhiều phụ huynh chỗ tôi đã theo hai chương trình này. Nhưng cũng có phụ huynh không theo, không kiêng sữa mà con vẫn rất tiến bộ. Tôi thì đang băn khoăn quá chị ạ.Mong chị cho tôi một lời khuyên.
BIO là phương pháp mà tôi thấy có một thiểu số phụ huynh bên này đi theo. Dựa trên kinh nghiệm, tôi thấy có những em đã biết tập trung khá hơn, trầm tĩnh hơn sau khi theo BIO; và cũng có những em theo nhiều năm mà mọi thứ vẫn thế! Điều khó khăn là thức ăn trong trường học, hay những lần đi dã ngoại, các em khốn khổ vì phải kiêng một số món ăn mà bạn bè và ngay cả cô giáo cũng ăn. Đại đa số phụ huynh chọn kiêng đường và kiêng chất cafein thôi.
Về RDI, cũng chỉ một thiểu số phụ huynh đi theo. Các hệ công lập Hoa Kỳ ít khi sử dụng RDI. Nếu muốn, phụ huynh phải chọn những phòng mạch tư có áp dụng RDI. Về hiệu quả, có em đáp ứng tốt, có em không.
Điều khó khăn cho phụ huynh và ngay cả điều trị viên là làm sao biết trước phương pháp nào thích hợp với cá nhân nào. Nếu có ai biết được điều này, cá nhân ấy sẽ thành triệu phú trong tích tắc, phải không chị? Và chính vì cái nếu ấy mãi mãi chỉ là nếu, nên phụ huynh sẽ phải mày mò, thử nghiệm.
Đối với Khoai, vì Khoai đã có nhiều kỹ năng quan trọng, tôi có cảm giác là Khoai không cần đến RDI. Tuy nhiên, tôi cũng không thể đề nghị một phụ huynh không thử nghiệm một trường phái nào đó, chắc chị hiểu. Tôi nghĩ chị nên đoán định xem Khoai đang cần nhất những kỹ năng nào, và phương pháp RDI có sẽ đáp ứng mong đợi của chị không, trong thời gian bao lâu, tốn phí ra sao. Sau đó, chị dự tính xem nếu chị tự dậy cho Khoai những khả năng ấy thì mất thời gian bao lâu để thành công.
RDI không phải là phương pháp duy nhất đâu, còn TEACCH, còn Social Skills, còn SCERTS... nhiều lắm chị ạ! Bên sức khỏe thì có BIO, rồi châm cứu, rồi sử dụng máy chạy não, uống thuốc...
Không biết tôi có đã giúp gì để chị dễ quyết định hơn không, hay lại đang gây thêm bối rối. Chị thấy sao?
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK