Ối ối, ngậm ti giả không hề gây ra tự kỷ hay bất kỳ rối loạn nào khác. Nếu có thể, thì việc ngậm ti ở tuổi 6, 7, 8 ...
khiến trẻ bị chọc ghẹo.
Bên ngôn ngữ mình lại bảo: "Ngậm ti giả khiến trẻ có cơ hội tập những bắp thịt xinh xinh của má, lưỡi".
Thiên hạ viết linh tinh lang tang, nói vớ va vớ vẩn. Những vị có kiến thức uyên bác và chính xác thì lại hay yên lặng. Đại đa số các vị bác sĩ tại VN đang khá yên lặng, vì có lẽ họ thấy chả cần phải phản ứng trước những tuyên bố vớ vẩn kiểu "tôi cho uống nước trà pha từ nước sông Hằng của Ấn Độ, uống 30 phút là hết tự kỷ luôn!"
Mình cũng có nghe phụ huynh hỏi: "Hình như cho trẻ tập đi xe đạp thì bớt tự kỷ phải không?" Bản chất đứa trẻ có rối loạn tự kỷ ở mức độ nào đó sẽ có khả năng vận động thô, khả năng phối hợp tay chân mắt tốt. Đó chính là điều kiện cần có để trẻ đạp được xe đạp. Vậy không phải vì đi xe đạp mà bớt tự kỷ, nhưng là đã có sẵn khả năng vận động thô và phối hợp tay chân mắt (kể cả khả năng nghe hiểu mệnh lệnh) nên trẻ đạp được xe.
Bên Mỹ, có lẽ không nói quí vị cũng hiểu việc đi xe đạp là hiếm. Không phải không bao giờ thấy, nhưng không hữu dụng lắm. Mọi đứa trẻ đều biết đạp xe đạp vì ở trường có xe nho nhỏ chạy cho vui. Ở nhà thì tập hồi bé còn nhỏ để chạy ở sân, chạy trên lề đường cách nhà độ 5, 10 căn rồi quay lại. Vì vậy không ai thấy nên tập xe đạp nếu có rối loạn tự kỷ. Người ta chỉ thấy đó là kỹ năng cần có, nên có cho thể lực thì tập cho con!
Ngoài ra, ở chỗ chúng tôi các em tk biết đi xe đạp chẳng làm ai ngạc nhiên. Riêng tôi trợn mắt, vỗ tay, nhảy tưng tưng những khi học sinh của tôi đi thi bơi. Cậu này năm nay đã 22 rồi. Đây chính là anh chàng tk dạng nặng, rối loạn cảm giác nghiêm trọng, đã làm việc tại siêu thị (xếp các món hàng để lộn xộn vào nơi cũ). Tôi có kể với quí vị nhiều lần rồi. Cậu ta bơi số 1 luôn, mà bơi bướm nhé! Cậu rất ít khi bơi trong nhà (hồ có mái, có tường) mà chỉ bơi ngoài trời vì rất sợ tiếng vang. Cậu luôn đeo ống nghe vì sợ ồn, chỉ khi đến lượt mình, cậu mới bỏ ống nghe vào giỏ và phóng xuống.
Trời ơi, thằng nhóc lúc nào cũng lấy tay đánh cằm cho vui, còn tay kia thì vẫy vẫy... bơi đẹp lắm. Hắn nghe mệnh lệnh (đọc thì đúng hơn vì chúng tôi đã chuẩn bị hình cho giáo viên thể dục từ hồi cậu bé tí xíu), bỏ ống nghe, đứng lên, phóng xuống thật đúng kỹ thuật và bơi bướm sang bên kia bờ, rồi lộn một cái ngoạn mục bơi trở lại, rồi cuối cùng đập tay lên đồng hồ do giờ ở trên bờ. Không khác gì Michael Phelps.
Bây giò tôi nhớ đến cậu học trò khó khăn này và tự hỏi: sao biết bơi bướm, là kỹ năng khó gấp 10 lần đạp xe, mà tự kỷ chả bớt tí nào.