Chào em, nếu chị ở gần em, mỗi lần em đánh con thì chị đánh em!
thế này nhé, dậy một đứa trẻ là muôn vàn khó khăn. Chính vì thế mà có riêng chuyên ngành sư phạm. Không phải ai cũng có thể dậy trẻ. Vì vậy khi bố mẹ buộc phải giữ lấy vai trò dậy con, dĩ nhiên rất nhiều vị đã gặp khó khăn. Chị nói thế để em hiểu rằng mình sai phạm là dễ hiểu, nhưng phải tìm cách tránh.
Khi con làm cho em giận, em nên biết tự thẩm định mình để thấy mình đang sắp mất bình tĩnh. Nếu đã biết mình sắp "giận mất khôn", em lập tức "rời bỏ hiện trường". Em bỏ ngay nơi đó, đi chỗ khác: đang ở phòng khách, em vào bếp; đang ở sân, em vào nhà; đang ở công viên; em dời khỏi mấy bước thôi.
Đây là những giây cho em thở sâu vài lần, cho adrenalin trong người giảm xuống. (Adrenalin là thứ làm cho người ta trở nên khích động). Đây cũng là lúc em tự nói với mình rằng đánh con không mang lại kết quả tích cực, mà chỉ có hậu quả tiêu cực.
Tuy nhiên, đó chỉ là phương cách nhất thời. tốt nhất là mình chữa ở gốc để tránh phải tức giận với con. Em quan sát lại mọi tình huống có thể làm cho con trở nên hư hỗn, không nghe lời, và em giúp con tránh tình huống đó. Thí dụ, em có thể nói trước với con về những gì sắp xảy ra, những điều con nên làm: mình sắp ăn cơm đấy, mình sắp phải thay quần áo đấy ... Nếu con không chịu cho em nấu cơm, em tìm hiểu xem tại sao. Nếu con muốn em ngồi gần con, em có thể cho phép con mang đồ chơi xuống gần bếp . Nếu con ghét mùi thức ăn, em có thể tìm cách đóng bớt cửa phòng bếp ...
Cách tụi chị dùng để giúp trẻ con làm theo những điều mình sắp xếp cho con là dùng thời khóa biểu. Việc nói cho con nghe có thể kh6ong hiệu quả, nhưng hình ảnh con hiểu dễ hơn. Ngoài ra, khi mọi thứ trở thành qui củ, có hình ảnh, được báo trước, con dễ tuân thủ hơn.
Em "ngâm cứu" rồi cho chị biết, chị sẽ giúp làm thời khóa biểu.