Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóTôi đã cho cháu đi học được 3 ngày , 2 ngày vừa rồi , tôi quan sát thấy cháu cũng chơi với các bạn và ít ăn vạ ở trên lớp , cháu có vẻ hơi trầm tính . ( Tôi là giáo viên mầm non , nên cho cháu đi học cùng trường với mẹ luôn )
Tôi xin hỏi chị Tường Anh một vấn đề này ? Trưa hôm nay , khi cháu ngủ dậy , tôi dạy ở lớp trên tầng , tôi xuống dưới tầng , vô tình cháu nhìn thấy tôi và theo tôi qua lớp bên cạnh . Cháu và tôi ngồi chơi xếp hình , đến giờ chiều , tôi bảo cháu cất đồ chơi để về lớp của cháu và có cho cháu cầm một đồ chơi theo . Nhưng cháu không chịu , khóc và ăn vạ . Cháu có hiện tượng giựt tóc tôi , cắn tôi . Tôi đã bỏ mặc cháu , để cho cháu một mình ăn vạ . Sau đó cô giáo cháu , dỗ cháu và cho về lớp . Dạ , thưa chị , vậy theo chị , trong những trường hợp như thế thì tôi phải xử lý ra sao ?
Còn một vấn đề nữa , khi chơi ở nhà , khi cháu muốn lấy đồ vật mà cháu không thể lấy được , bố mẹ lấy hộ cháu , thường trước khi đưa đồ cho cháu chơi , bắt cháu phải nói tên thứ đồ đó , nhưng cháu thường lảng đi vá không chịu nói , một lúc sau cháu nhớ , cháu lại đòi và cũng vẫn không chịu nói ? Và gần đây cháu có hiện tượng hay vứt đồ chơi khi không đáp ứng nhu cầu của cháu ( Vd : khi bảo cất đồ chơi hoặc khi cháu làm sai , bố mẹ nhắc nhở cháu , cháu sẽ vứt ngày đi đồ chơi hoặc vật cháu đang cầm trên tay cháu ) ?
Chị biết đấy , tuy là giáo viên mầm non , nhưng không phải biết tất cả , nhất là những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ,và tôi lại không cũng được đào tạo chuyên sâu để dạy trẻ tự kỷ ....
Và vì thế mong ở chị những lời tư vấn ...
Bây giờ mới biết Tú là giáo viên mầm non. Vậy là bé nhà Tú may mắn đấy, vì là giáo viên thì mẹ đã có khối điều căn bản để dậy cho con.
Khi bé giựt tóc, cắn mẹ, Tú đã bỏ mặc bé, và không phải cứ bỏ đấy đi, mà là có cô giáo. Tú làm đúng đấy. Tú cũng nói là "sau đó cô dỗ cháu". Đúng đấy Tú ạ. Đừng dỗ ngay. Khi trẻ đi vào cơn lốc giận dữ, mình nói gì cũng thế thôi. Dỗ hay dọa cũng chẳng ăn nhằm gì, chỉ làm cho trẻ quá tải thêm. Mình phải chờ đến khi bé dịu xuống. Lúc ấy bé mới có thể giao tiếp với mình. Bạn và cô giáo cũng đừng nói lại chuyện rắc rối kia ngay làm gì, vì rất có thể bé sẽ bị lập tức bỏ vào cơn bão giận dữ. Cứ để cho mọi thứ qua đi, khoảng 10 phút sau hãy nói. Tôi lấy 10 phút vì bé còn nhỏ, và mau quên. Với các em lớn và có khả năng nhớ lại những gì đã xảy ra, mình có thể chờ 20, 30 phút, hay cả ngày.
Bé chậm nói, nên khị bị bắt nói, bé sẽ né thôi. Bạn cứ kiên nhẫn, lúc thì ép, lúc thì khuyến khích. Vậy lúc nào ép, lúc nào chỉ nên khuyến khích vài lần rồi thôi? Trong giờ học, chắc chắn là phải ép. Khi đến bữa ăn thì không ép. Trời đánh tránh miếng ăn mà! Tuy nhiên, chính khi ăn là lúc bé dễ bắt chước nói nhất đấy, vì bé nào cũng ham ăn (với những món yêu thích). Tú có thể tìm những món bé thích nhất (trừ kẹo ngọt hay đồ ăn không có lợi cho sức khỏe như chất mỡ, cholesterol) rồi buổi tối, sau bữa ăn, lấy ra dụ khị bé.
Có những bé vứt đồ chơi vì tìm cảm giác. Còn bé của Tú, có lẽ không phải thế. Bé vứt vì không hài lòng. Vậy Tú phải nghiêm nghị và cương quyết để giúp bé. Nhất định là bé phải nhặt món đã vứt. Mới đầu mẹ hay bố có thể cầm tay con, nhưng vẫn cứ có con cộng tác nhặt lên. Nhiều khi mình cầm tay bé, mà bàn tay bé xoè thẳng ra, chả chịu nhặt đồ lên. Kệ, vẫn cứ giữ lấy tay bé, vẫn cứ ép bé cong người xuống chạm vào món ấy, rồi tay mẹ/bố cặp lấy món đồ, và mẹ/bố cùng bé (lúc này trì người xuống thay vì đi theo mẹ/bố) đến cất vào đúng chỗ. Tú sẽ thấy bé khóc, nhưng rồi sẽ quen.
Mình nghĩ là trong lớp mầm non của Tú cũng thế thôi, có bé lười dọn, cô Tú sẽ ép bé phải có trách nhiệm và dọn cho đàng hoàng. Bé khóc thì cô thương, nhưng cô không nhượng bộ vì không muốn bé học thói xấu bày bừa. Với bé của Tú, thời gian dậy mọi kỹ năng đều lâu hơn, nhiều nỗ lực hơn. Cố gắng nhé.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK