Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KHóChào bạn. Cám ơn đã sang thăm nhà của tụi mình nhé. "Bên kia" xa quá, mình không đến thăm thường.
Em đã quan sát bé rất kỹ, bé có 1 số biểu hiện khác BT là: khi lè lưỡi, lưỡi bé không vượt quá môi dưới và có hình tù, bé không đưa được lưỡi lên liếm môi trên, khi bảo bé nói A, mở khẩu độ mồm to và uốn lưỡi lên hàm trên thì nếu để tự làm, bé sẽ co bớt khẩu độ mồm thì lưỡi mới chạm lên hàm trên , nếu em dùng tay giữ hàm dưới thì bé không thể chạm lưỡi lên hàm trên được. Em nghĩ là bé nhà em có bị dính thắng lưỡi. Nhưng em không rõ, trường hợp của bé là ở mức độ nào, có nên cắt không,và xác suất thành công cũng như các rủi ro có thể gặp khi cắt, vì bé ăn uống, nói chuyện bình thường, bé có thể tặc lưỡi tốt, tuy nhiên vì dính thế nên giọng nói, phát âm của bé khá ngọng , nghe giống như người ngắn lưỡi vậy.Vì bé nhà em đã 5 tuổi rồi, và nếu xem ảnh trên Web của BV nhi đồng 1 thì em thấy bé không nặng như vậy (khi thè lưỡi không tạo thành hình chữ V). Hiện tại em đang rất bối rối, không biết nên đưa bé đi khám ở đâu là tốt nhất.Em rất mong nhận được lời khuyên từ chị. Em cảm ơn chị rất nhiều!
Thế này nhé, qua kinh nghiệm làm việc trên 10 năm qua, đây là những khó khăn có thể có với các bé dính thắng lưỡi: 1) Khi bé, con có thể khó bú mẹ. 2) Khi học nói, con có thể ngọng những phụ âm cần đầu lưỡi đưa lên hàm trên như t, d, th, n, l. 3) Nếu quá ngọng, niềm tự tin của con có thể bị giảm sút khi trưởng thành.
Khi nào thì nên sử dụng tiểu phẫu? Khi những vấn nạn trên nghiêm trọng. Các bác sĩ có thể chọn bấm kéo, và trong trường hợp này thì khồng cần thuốc mê. Nếu có thì chỉ một ít thuốc tê. Cũng có khi các bác sĩ phải sử dụng thuốc mê toàn phần hay một phần, và trường hợp này thì chỉ khi trẻ trên 1 tuổi.
Các bác sĩ đã từng giải thích với tôi khi chúng tôi làm việc với những em bé dính thắng lưỡi rằng họ chọn phẫu thuật, dù là tiểu phẫu, chỉ khi phần nói ngọng khó thay đổi sau khi đã đi trị liệu ngôn ngữ. Nếu thắng lưỡi quá ngắn, và việc nên cắt là rõ ràng, họ chờ đến khi bé trên 9 tháng. Họ cho biết khi trẻ trên 2 tuổi, việc cắt thắng lưỡi còn đòi hỏi họ phải khâu tránh sẹo.
Vậy bé nhà bạn có thắng lưỡi ngắn, nhưng có nghiêm trọng không? Bạn đã xem xét rồi đấy, và thấy rằng con tặc lưỡi được, nói được dù hơi ngọng. Việc nuốt thì thường không khó khăn lắm. Tôi nghĩ bạn nên tìm cách tập cho con nói những âm t, d, đ, th, n, l. Bạn tập chăm chỉ vào xem độ tiến bộ của con ra sao (nghĩa là lưỡi của con có khắc phục được không).
SAu một thời gian thấy không hiệu quả, con vẫn ngọng, có thể bạn nên cắt thắng lưỡi cho con.
Về việc tập, bạn soạn ra một số từ nhất định cho những phụ âm trên. Hãy chọn những từ đơn giản. Thí dụ, TA thì dễ hơn TUYẾT, DI thì dễ hơn DƯƠNG. Bạn tập đi tập lại những chữ ấy xem sao, rồi cho mình biết kết quả nhé. Mà phải tập ngay bạn nhé. Con 5 tuổi rồi.
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK