Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóNhư tôi đã trình bày (cháu học 2 ngày/tuần), hôm qua cháu đi học buổi đầu tiên tại trung tâm nghiên cứu tâm lý tẻ em N-T do cô giáo Lê dạy. Hôm qua sau buổi học cô giáo nói cháu tiếp thu rất tốt cô chỉ phải tập trung nhiều vào việc làm giàu vốn từ chó cháu (nói như cô là tắm ngôn ngữ ý). Trong lúc chờ cô giáo cháu có vui đùa và nói chuyện với các bác làm việc trong trung tâm và các phụ huynh ngồi chờ con học thì ai cũng ngạc nhiên hỏi mẹ cháu: Cháu như thế này mà sao chị phải đưa cháu đến đây. Tôi nói cháu hơi kém khi diễn đạt ý muốn diễn đạt và hơi nghèo về vốn từ.
Như vậy là phần điều trị chú trọng trên khả năng ngôn ngữ. "Tắm ngôn ngữ" mà cô Lê của bé sử dụng có lẽ là kỹ năng dậy dịch từ "bombarding a child with vocabulary." Thường thì đầu giờ trị liệu, các chuyên viên trị liệu ngôn ngữ chúng tôi thường có 5 phút với kỹ thuật này, và rồi chuyển sang những kỹ thuật gợi cho trẻ diễn tả, trả lời... Không biết cô giáo có cho phép phụ huynh vào trong phòng để quan sát, hay có cho bài để bé tập ở nhà không chị nhỉ? Chị cũng phải tập ở nhà để bé tiến bộ mau hơn nhé.
Còn những biểu hiện của cháu như tôi đã trình bày với chị thì không phải lúc nào cũng biểu hiện như vậy mà thỉnh thoảng thấy cháu thế thôi ạ. Ví dụ như cháu không nhìn vào mặt người nói chuyện thì tôi thấy cháu hơi kém về giao tiếp bằng mắt nhưng ko phải lúc nào cũng vậy. Nói chuyện thì cháu vẫn nhìn vào mình nhưng nhiều khi mắt ko nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Nếu thỉnh thoảng mới có những biểu hiện chị đã mô tả, thì mình có quyền mừng cho cháu. Chị cứ nhắc thêm cho cháu về việc phải nhìn vào mắt người đang nói với cháu nhé. Chị có thể làm một mảnh giấy nhỏ có hình con mắt, rồi ra hiệu cho cháu thay vì nhắc bằng lời để khỏi làm người đang nói phải bị gián đoạn.
Về việc cháu nói ngọng ko phải cháu ngọng vần "ng" mà những từ yêu cầu cần há miệng "thường" thành "thườn", "đường" thành "đươn", "vâng" thành "vân", hay những từ Như "cộng" thành "cậu" ... những nói bảo cháu nói lại thì cháu vẫn nói đúng.
Thế là ngọng vần ng khi ng ở cuối chữ: cháu thay thế ng bằng n. Nhưng không sao đâu, cháu có khả năng nói đúng, và một thời gian nữa sẽ nói chính xác, nhưng chị cứ phải nhắc cháu nhé.
Cháu thích mẹ đọc chuyện cho nghe nhưng khi mẹ đọc thì lại ko chú ý lắm. Cháu hiểu tôt được sự việc nhưng khi yêu cầu nói lại thì cháu chưa biết diễn đạt và từ ngữ thì có vẻ dùng hơi lộn xộn. Việc nhắc lại những gì trong quảng cáo thì ko phải tự nhiên cháu đọc ra mà khi nhìn thấy 1 vật gì liên quan đến quảng cáo thì cháu đọc nguyên xi câu nói trong đoạn quảng cáo về sản phẩm đó. Ví dụ là đi trên xe nhìn thấy nhà chờ xe buýt có quảng cáo bột giặt omo là nói mẹ ơi bột giặt omo kìa và nói đúng y câu quảng cáo bột giặt đó trên tivi. Hay nhìn panô quảng cáo của tập đoàn Hoa sen, mặc dù chưa biết chữ nhưng chỉ nhìn hình đóa sen là cháu nói kia là tôn hoa sen của tập đoàn Hoa sen đấy mẹ ạ.
Nếu cháu thích đọc, chị tìm truyện ít chữ, nhiều hình, rồi mời cháu cùng lên tiếng đọc với chị theo kiểu điền vào chỗ trống. Có thể cháu sẽ chú ý hơn. Thí dụ: chuyện về con gấu màu nâu đi tìm mẹ, chị chỉ vào con gấu rồi nói "Đây là con... mầu..." và chờ cháu nói gấu/nâu. Rồi "nó đi..." và chờ cháu nói "tìm mẹ."
Khi cháu nhìn thấy vật gì và đọc nguyên xi câu nói trong quảng cáo về vật ấy, chị chặn cháu lại, và hỏi: "Con nói đến quảng cáo đấy! Mình xem quảng cáo ấy hôm nào con nhỉ? Trong quảng cáo ấy, chữ Tôn Hoa Sen màu gì con nhớ không? Lúc xem quảng cáo ấy hôm qua, đố con nhớ mẹ mặc áo màu gì?" Nghĩa là chị chuyển hướng thói quen nói lại nguyên văn quảng cáo để dậy bé phân tích những gì bé nghe/đọc từ tivi.
Tôi đang tìm hiểu các phương pháp cha mẹ làm gì hỗ trợ con để giúp con tiến bộ. Nếu có thể xin chị vui lòng cung cấp giúp chúng tôi 1 số tài liệu được ko.
Như tôi đề nghị ở trên, chị thử xin cô giáo bài tập về nhà cho bé tập tại nhà xem sao. Về việc cung cấp tài liệu, chúng tôi phải đi bước đầu tiên là thẩm định. Các anh chị bên điều hành dự án đang chuấn bị để phụ huynh có thể tham gia khám thẩm định, lên kế hoạch can thiệp, và nhận bài vở.
Ở thời gian hiện tại, cháu 5 tuổi, chị có thể chú ý đến khả năng
1. Trả lời câu hỏi: câu hỏi ở đâu, cái gì, cái nào, ai... là câu hỏi dễ và đôi khi chỉ cần một từ hay vài từ là câu trả lời thành thỏa đáng. Câu hỏi vì sao hay làm thế nào cần khả năng ngôn ngữ vững vàng hơn. Chị thử tập cho cháu trả lời vì sao hay làm thế nào xem nhé. Thí dụ, chị hỏi "vì sao mình phải mang theo ô hả con?" và giúp cháu nói cho gọn gàng: "mình phải mang ô vì thời tiết báo hôm nay có thể mưa." Hoặc "vì sao hôm qua bà mắng con thế nhỉ?" và giúp cháu nói gọn gàng: "Hôm qua bà mắng con vì con làm đổ nước lên ghế sa lông." Hoặc: "Làm thế nào để đánh răng?" và giúp cháu đi từng bước mà mô tả; "Con để kem lên bàn chải, con mở nước vào ly, con xúc miệng 2 lần, con đưa bàn chải vào răng...". Chị tránh những loại câu vì sao hay làm thế nào vượt quá khả năng cháu nhé.
2. Mô tả và so sánh: "Đố con biết mặt trời và mặt trăng khác nhau thế nào?" "Đố con biết chúng có điểm gì giống nhau?" Những cặp so sánh: kính mát/kính thuốc, xe đạp/xe máy, xe buýt/xe taxi, giầy bít/xăng đan, quần jean/áo đầm... Chị cũng đừng chọn những gì quá khả năng của một bé 5 tuổi nhé. Tôi cũng lưu ý chị là tôi đề nghị khả năng này vì thấy cháu khá về ngôn ngữ hơn các bé TK khác. Chị có thể để ý và mớm lời cho cháu nói xuông xẻ.
3. Kể chuyện: chị chụp lại hình sinh hoạt trong nhà, lý tưởng nhất là một chuỗi sinh hoạt (ngày tết, ngày sinh nhật, giỗ chạp) rồi cho bé xem hình mà tuần tự nhắc lại. Chị lấy truyện mà bé đã đọc nhiều lần và cho cháu xem hình mà kể lại. Chị cũng có thể tạo một chủ đề để hai mẹ con tưởng tượng: "Hãy tưởng tượng mẹ là con nai, còn con là con chim sẻ. Mẹ đang ăn cỏ, còn con đang làm gì? Con bay à? Ồ, con dừng lại trên cây. Nai mẹ thấy chim con rồi. Chim sẻ ơi, chim sẻ bay trên ấy có đụng được mây chưa? Mây mềm hay cứng thế?"
Ở Mỹ, chúng tôi thường có một góc phòng với nón mũ, áo quần, giầy, nữ trang... để các bé chơi trò đóng vai, giả vờ. Chúng tôi cũng sử dụng những con rối. Tất cả là để trí tưởng tượng bay bổng, và ngôn ngữ thăng hoa.
1 vài địa chỉ, hay chuyên gia trị liệu tâm lý có uy tín ở Việt Nam (hà nội)
Tôi cũng vừa trả lời một câu hỏi tương tự. "Uy tín" là tiêu chuẩn khó định. Mình tìm nơi "thích hợp" thì đúng hơn, chị nhỉ. Chị cứ phải thử chỗ này chỗ kia, quan sát rồi đưa ra kết luận thôi. Tuy nhiên, cần nhất vẫn là phần hỗ trợ mà chị thực hiện theo yêu cầu của người điều trị, vì chị mới là điều trị viên có mặt bên cháu ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, chị là người có mặt trong nhiều tình huống của ngày sống.
Có gì chị cứ lên diễn đàn và mình hỗ trợ nhau vượt khó.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK