Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóLúc này chị khỏe không. Hổm rài thông tin trên đài báo liên tục đăng tin cúm lợn, H1N1 ở một số ban bên Mỹ và Mêxicô cũng như một số nước gần Mỹ. Hiện nay bêm VN chưa có trường hợp nào kể cã các khách du lịch đến VN bị nhiễm cúm H1N1 cả. Tôi thấy trên trang của mình cũng đăng tin này. Điều này thật là hay vì như thế càng bồ ích giúp tôi có thêm thông tin một cách chi tiết hơn. Không biết nơi các anh chị định cư có bị dịch này không? Hiện tôi rất lo cho các anh chị bên ấy. Cầu Trời Phật phù hộ các anh chị và gia đình thật nhiều sức khỏe, an lành hạnh phúc.
Chào anh Bảo, H1N1 làm cho cả thế giới lên ruột. Thành phố tôi ở phải đóng cửa 5 trường học vì có học sinh nhiễm bệnh. Sát ngay khu xóm chúng tôi thì chưa thấy gì. Mùa này lại là mùa dị ứng hoa, cỏ... nên ai cũng hắt xì, chảy mũi, ngứa mắt. Nặng hơn thì đau bụng đi cầu chút chút, sốt, đau mình, đau bụng... Triệu chứng cũng không khác gì H1N1. Điều tôi nhận thấy là người dân cũng còn bình tĩnh. Ngoài ra, những phụ huynh có con bị dị ứng hay cúm, họ cho con nghỉ học ngay. Dĩ nhiên họ lo lắng cho con của họ, nhưng họ cũng nói: "Cháu chắc chỉ dị ứng thôi, nhưng để cháu ở nhà vì không muốn bạn bè cháu bị lây." Thái độ kính trọng sự an toàn của cộng đồng như thế là tốt.
Hôm nay Phúc cũng một số tiến bộ nhỏ. Lần đầu tiên(kể từ khi Phúc được sinh ra) Phúc tự gọi ba ơi + lời yêu cầu. Trước đây lúc nào tôi cũng phải gợi ý thì cháu nói ba ơi rồi yên lặng chờ đợi để cháu nói lời yêu cầu. Bây giờ mỗi khi cu cậu ý ới thì tôi yên lặng và kiên nhẫn chờ đợi đến khi cháu nói: ba ơi + lời yêu cầu thi tôi mới thực hiện yêu cầu của cháu mà không gợi ý nửa. Phúc bắt đầu thấy hứng thú khi nói tên các con vật, và các lời yêu cầu, Phúc nói thường xuyên hơn trước không cần phải gợi ý.
Cu cậu thích dùng cọ vẽ nhiều màu lên giấy, lật các trang sách(cứng) xem hình nhưng hình như chưa thật sự tích thú lắm, chỉ thích mở các trang mà mình thích và nói theo trong tranh như: thấy tranh người đọc sách, người chạy, người nghe điện thoại, thì nói: đọc sách, chạy nhanh, nghe điện thoại. Thấy hình cái miệng thì nói: nhai
hay cái miệng. Tôi có cho cháu xem hình chữ O trên máy tính, và thường xuyên chơi trò vẽ trên đất vòng tròn thì hôm nay Phúc bắt đầu nói từ: vẽ tròn nè, chữ O nè, cho Phúc chơi với các con số, khi thấy các con số ở bất kỳ đâu trên bảng hiệu, trong sổ điểm của tôi thì Phúc hay nói số 3 số 5 (nhưng không đúng), cháu chỉ có thề ráp đúng các con số nhưng chưa nói đúng tên các con số.
Có thể mắc nhiều mắc xích cùng màu với nhau và tôi luôn miệng nói màu thay cho Phúc và chỉ ra chỗ mắc sai không cùng màu. Còn dùng dây sỏ qua các bông hoa nhựa thì hình như cháu sợ không dám làm thường rụt tay lại và nói: sỏ dùm con.
Vậy là Phúc đã có thể nói để bày tỏ ý kiến, để yêu cầu dù không phải lúc nào cũng thế. Anh tiếp tục khuyến khích cháu nhé. Có những bài học mình dậy và muốn buông xuôi, bỗng môt ngày thấy tụi nhỏ đem ra áp dụng.
Thưa chị, không biết những biểu hiện nào cho chúng ta thấy trẻ bắt đầu có khả năng suy luận? Hiện nay việc đọc sách cho cháu nghe thì được nhưng đặt câu hỏi để Phúc trả lời thì thật là khó(tôi chưa đủ tự tin thực hiện việc này).
Khả năng suy luận ở tuổi của Phúc có thể đơn giản là bấm cái nút màu xanh, thì nhạc lên, bấm nút màu đỏ thì nhạc ngưng (hành động và kết quả); hoặc Phúc chịu học, ba vỗ tay, ba thưởng và Phúc xếp đồ chơi thành hàng thì ba cất đi (hành động và hậu quả). Ngoài ra, anh cũng có thể hỏi "Con cá bơi hay chạy? Con chim có bơi không? Trên trời có những gì? Dưới đất có những gì?" Anh Phi bên ban điều hành đang chuẩn bị load bộ trò chơi so sánh, kỹ năng quan trọng của suy luận. Anh Bảo theo dõi mà lấy nhé.
Đọc sách cho Phúc nghe, anh vẫn hỏi câu hỏi được đấy. Thí dụ: Con gì đây? Gấu mẹ mặc áo màu gì? Gấu mẹ và gấu con, con nào to hơn? Gấu mẹ có dỗ gấu con không? v.v.. Nghĩa là câu hỏi cái gì, ở đâu, có/không...
Tôi thấy Phúc có thể chịu đau hơn các trẻ bình thường: chạy té ngã nhưng không khóc(hoặc có thì rất ít chỉ nhăn mặt một chút là nín), trèo lên xe bị ống khói xe làm phỏng cũng không khóc. Không biết có cách nài giúp Phúc có cảm giác đau như các trẻ bình thường khác không chị? Tôi cũng nghe lời chị thường chỉ cho cháu thấy người khác đau là như thế nào, khi Phúc ngã tôi hỏi có đau không con. Nhưng hình như Phúc không quan tâm đến điều này.
Một số bé TK rất nhậy cảm với đau đớn, một số bé khác có độ chịu đựng rất cao. Tôi có em bệnh nhân năm nay 15 tuổi, chưa bao giờ khóc trong đời khi té ngã, đau bệnh, ngay cả sau khi mổ chân. Chính vì vậy chúng ta buộc phải dậy về cảm giác này. Đầu tiên là để chính các em biết đường mà cho ba mẹ biết các em đau bệnh ra sao. Thứ hai là để các em không làm đau người khác.
Đối với Phúc, anh sẽ phải dậy thuộc lòng như dậy 2 với 2 là 4: đánh thế này là đau, chảy máu thế này là đau, đứt tay thế này là đau, phỏng thế này là đau...
Còn về giao tiếp mắt khi nói chuyện thì chỉ thực hiện khi có yêu cầu, chứ thường thì không nhìn vào mắt người đối diện. Nhưng khi đến lớp mà gặp cô giáo thì vừa cười vừa nhìn cô rất tự nhiên trái ngược với khi ra về chào tạm biệt cô giáo thường là phải nhắc Phúc mới nhìn mắt cô khi nói. Tôi có cảm giác nếu sự việc diễn ra tự nhiên thì cháu mới giao tiếp mắt, còn ngược lại thì không.
Mình vẫn mong Phúc sẽ tự nhiên mà nhìn mắt người mà cháu giao tiếp với. Nhưng ở giai đoạn này anh vẫn phải nhắc anh ạ. Tôi nghĩ là cháu đã quen với việc đến lớp, nhìn cô, cười rồi chào; và chưa quen với thói quen nhìn cô, chào, rồi ra về. Anh cứ tiếp tục nhắc nhé. Cháu chưa tự nhiên mà làm được đâu. Nếu có thể, anh sáng chế ra một lối nhắc để cháu nhìn mắt thay vì phải nói "con nhìn cô đi!" Anh in hình con mắt nho nhỏ, cầm theo trong túi. Khi nào cần, anh đưa ra để nhắc. Mới đầu thì anh vừa nói vừa đưa hình cho Phúc xem. Sau thì anh bớt phần nói và giữ lại phần hình. Anh thử xem nhé. Tôi đề nghị như vậy là vì nhiều bé TK đã lớn vẫn cần nhắc, và nếu mình có một dấu hiệu nào đó để nhắc thì sẽ không làm các cô cậu thanh niên này tự ái.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK