Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóKhi không hài lòng bé thường khóc thét, có khi lấy tay tự đánh vào đầu, vào ngực, tự nhéo lỗ tai hay cào gò má , có khi lại là lăn đùng ra nằm vạ. Mẹ phải dỗ dành lâu lắm mới nguôi ngoai, nhưng sao đó giận mẹ, không cho mẹ vuốt ve, âu yếm, không cho đụng vào người, không cho tới gần. Phải năn nỉ giải thích hoài mới hết giận !!!
Mà ánh mắt bé thì buồn cười lắm, tỏ vẻ giận hờn "liếc ngang liếc dọc" vậy chị ơi ! Nhiều khi tôi buồn cười không chịu được, tôi phát cười thì bé nhíu mày lại tỏ vẻ ngạc nhiên "con giận sao mẹ cười" ???
Chị ơi, khi bé khóc la, tự đánh mình, ăn vạ... chị ngăn bé lại, nhưng đừng tỏ vẻ chú ý chị nhé! Tôi vẫn đề nghị với phụ huynh: lúc ấy phải làm mọi cách để ngăn bé đả thương mình. Có bé còn lấy đầu đập vào tường, hoặc vào góc bàn nữa. Có bé nín thở đến tím cả mặt! Mới nhìn sợ lắm cơ! Tuy nhiên, chị ngăn bé nhưng đừng nói gì, đừng nhìn mắt bé. Khi bé có sự chú ý của chị qua ánh mắt, lời dỗ dành, năn nỉ, bé sẽ làm lại hành vi ấy hoài. Khi bé bắt đầu nổi giận rồi trở nên hoàn toàn giận dữ, mình chỉ có thể để cho bé giận cho hết cơn mà thôi. Lúc ấy thần kinh của bé đã đi vào vòng xoay bão bùng, không làm gì khác được đâu. Mà chị thấy đấy, "giải thích hoài mới hết giận". Chị cứ giữ lấy tay bé, nhưng hoàn toàn không nói gì và nhất là không giao tiếp mắt.
Tôi có bảo bé phải dọn dẹp "chiến trường" của bé, nhưng bé hay nằm lì ra chẳng chịu, phải xách tay xốc dậy la rầy mới chịu làm chút đỉnh. Tôi có quay cả đoạn film bé đang ngồi ị trong bô cho bé xem, có giải thích, nhưng chưa làm giống chị vừa hướng dẫn. Tôi sẽ làm và cho chị hay kết quả, trước tiên phải đợi "ngày đẹp trời" nào đó bé ngồi bô rồi ....chộp cái hình cho đẹp để dán ...khắp nhà, lúc bắt bé dọn dẹp thì phải đứng kế bên vừa rầy vừa "chỉ tay năm ngón" nên giờ phải vừa chỉ một tay, còn một tay phải lăm le máy chụp hình để lấy "góc cạnh đẹp" !!!
Khi đi dọn chiến trường, chắc chị phải "tay cầm tay" thôi chị ạ. Bé còn bé quá, sợ làm một mình rồi bôi nước tiểu hay phân lên mắt, miệng thì chết. Hai mẹ con đeo găng vào, rồi tay mẹ cầm tay con mà hốt, lau, xả nước... Tôi nghĩ lúc này nếu cần chị sẽ nói những mệnh lẹnh ngắn: "Lau chỗ này, ngồi xuống, vào nhà vệ sinh..." Đừng giao tiếp mắt chị nhé. Cũng đừng giải thích gì dài. Bé đang bị phạt mà! Muốn thì sau khi đã xong, chị hãy ôm lấy cháu mà bảo rằng "dọn mệt nhỉ, thế lần sau hai mẹ con mình vào nhà vệ sinh nhé!"
Riêng hình có góc cạnh đẹp nhiều khi lại còn... kinh doanh được đấy!!!
Nói đùa thôi, hình thật việc thật, giữ lấy làm kỷ niệm nhé.
Vâng, thưa chị, tôi chỉ dám lấy tay phét vào cái chổ "thịt thà" nhất trên cái mông thôi, chứ chưa bao giờ dám đánh chỗ nào khác , có điều tôi mất bình tĩnh vì trong lòng ngổn ngang ý nghĩ sao con lớn bằng này , bé khác hiểu hết rồi mà con thì chưa, vừa buồn vừa thương con nên đánh xong thì nước măt cũng xuống rồi, lật đật đi chỗ khác tránh mặt bé một chút rồi lại dỗ con. Biết rằng răn đe thì không được quay lại dỗ dành khiến bé dễ ngươi về sau. Nhưng nhà có 2 mẹ con thôi thì ai thay tôi dỗ bé. Hôm nào có Ba bé ở nhà, thì nhờ Ba dỗ dùm, khổ thế đó chị ạ ! Đánh con sợ con đau trên mông thì ít mà sợ con nghĩ rằng do mẹ không thương rồi ngược đãi con khiến tinh thần bé shock thì tôi sợ lắm chị à ! Nhìn bé khóc tủi thân, co rúm người trong góc giường tôi đau như chính mình đánh vào mình vậy chị ơi.
Hm, bà mẹ này chiều con quá!
Khi chị phạt bé xong, chị cứ nghiêm nghị và lành lạnh, tự bé sẽ tới làm hòa. Khi thấy dấu hiệu làm hòa này, chị hãy ôm lấy con mà nựng nịu. Tôi mới có cô bệnh nhân tấn công bạn nên bị trường đuổi học 2 ngày. Trong hai ngày này, chúng tôi đưa các em khác đi shopping mall để học bài học mua sắm đồ dùng cá nhân. Bất ngờ chúng tôi thấy cô bé kia trong rạp cine đi ra với bố mẹ! Ôi trời, mình phạt nhưng bố mẹ lại cho đi cine thì còn nói làm gì?
Bé có thói quen đã quen việc gì , ở đâu , thế nào... thì khó thay đổi lắm chị.
Vâng, khó chứ, khó lắm chứ, nhưng Con Của Mẹ sẽ ở bên cạnh chị. Khi cần phải thay đổi một thói quen, mình phải cố gắng thôi. Chị cứ làm thời khóa biểu đi, có thể có kết quả bất ngờ thì sao? Hơn nữa, mình cũng sẽ căn giờ mà bé thường tiểu tiện để bỏ lên thời khóa biểu mà!
Chi ạ ! Chị nói chuyện với Trâm rồi, chắc chị cũng hiểu chúng tôi đôi phần, nhưng Trâm không làm nữa thì đúng là quá khó khăn cho chúng tôi. Ngành Giáo dục VN chưa sâu sát lắm chị à - Tôi chẳng dám kỳ vọng ở họ vì có ai nghe lời người thấp cổ bé họng như chúng tôi đâu.
Ôi, các anh chị ở ngay trong nước mà không ai buồn nghe, thì chúng tôi tiếng nói vọng từ xa chắc khó khăn lắm đây. Cái khó khăn của chúng ta là gì? Người ta cảm động trước những cá nhân có khuyết tật trên mặt mũi chân tay như mù, down... Còn các em tự kỷ, khổ nỗi, em nào cũng xinh xắn, mắt sáng rỡ! Đụng đến thì thiên hạ bảo các em khó dậy, hư hỗn..., hay bảo cha mẹ không biết dậy con... Vì thế, có lẽ không ai thấy nỗi thương tâm trước những yếu điểm của các em. Tôi vẫn thấy người ta ùn ùn cho tiền mổ tim, nhưng góp tiền để huấn luyện các cá nhân tự kỷ trở thành người có thể sống tự lập thì đại đa số dửng dưng.
Chị Tường Anh ạ, các bé tự kỷ thường không thích ôm ấp, mà bé Hiền Nhân thì thích lắm chị ạ, nếu có thể ngồi ôm bé, hát cho bé nghe, cả hai mẹ con cùng ôm nhau đung đưa theo điệu nhạc cả ngày bé cũng không phản đối - thế thì có thể lợi dụng điểm nầy để giúp bé điều gì không chị ?
Điều này làm tôi chột dạ. Nếu thích ôm ấp, bé có tự kỷ không? tuy nhiên, cũng nhiều bé thích ôm không phải vì tình cảm, mà vì tìm cảm giác. Hồi chiều, cậu bệnh nhân 20 tuổi, cao 1m7, trèo ngay vào lòng tôi ngồi. Mà tôi thì đầu đuôi có thước rưỡi. Mọi người đều cười, và hiểu rằng cậu thích được bóp tay bóp chân, thích ghì chặt...
Nếu bé thích thế, chị có thể dậy bé vào nhữg lúc ấy để gọi tên cái này cái kia được không? Thí dụ, bé ngồi cạnh chị, nếu bé gọi được tên vật chị muốn, thì chị ôm bé một cái, rồi lại để bé sang bên, gọi tên vật khác. Chị làm cái bảng có hai phần: phần bên trái để hình mô tả sinh hoạt mà chị muốn dậy, phần bên phải để hình chị ôm bé: nếu bé làm cái này thì mẹ ôm bé. Các em tk bên này đáp ứng với bảng này tốt lắm.
Có gì chị cập nhật tiến bộ của cháu nhé. (Và khi tức quá, buồn quá, chị vào diễn đàn post một cái mặt bí xị cũng được, chúng tôi sẽ yểm trợ ngay).
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK