Chào anh Bảo. Anh đi dậy học, rồi dậy thêm, và vẫn tìm giờ cho con. Anh cố gắng nhé. Sẽ có một ngày anh thấy những nỗ lực của anh được đáp trả bằng những tiến bộ của cháu.
Những lúc như thế tôi làm đủ trò để cháu chú ý. Bây giờ cháu có thể làm theo yêu cầu hãy nhìn vào mắt người bé đang nói chuyện như chàu cô giáo trước khi vào lớp và ra về, tạm biệt mẹ và người thân khi đi học. (thời gian khoảng từ 2 đến 3 giây),
Lúc này cháu thường dùng tay chỉ khi muốn đồ chơi và nói: "lấy đồ chơi cho con", trước khi nói câu này bé thường ý ới gì đó tôi nghĩ là bé gọi tôi nên tôi nói: "ba ơi" thì cháu nói theo.
Tôi thường làm chim đại bàn đốp mồi mỗi lần như vậy tôi nói: chim cắn lổ tay, cằn mũi,...nhưng tới nay cháu vẫn chưa nhận biết được các bộ phận này.
Cháu có thể xếp đúng các hình tam giác, hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, nhưng không nhận biết được các màu và cũng không gọi tên được các hình.
Cháu quan tâm đến mọi thứ trên đường đến trường nhưng tôi không biết cháu đang nhìn cái gì.
Có thể chỉ được mẹ khi được yêu cầu. Khi tôi chỉ con vật như con chó chẳn hạng và hỏi cháu con gì? thì thỉnh thoảng cháu cũng nói được là con chó nhưng chỉ khi nào thấy thích thì mới nói.
Mỗi tối khi tôi ra khỏi nhà để dạy thêm buổi tối, tôi đều thông bào cho bé biết: Phúc ơi ba đi dạy nhe và vẫy tay tạm biệt, lúc này mỗi khi tôi mặt áo vào chuẩn bị đến trường là cháu nói: bái bai và vẫy tay
Mỗi khi kết thúc một sự việc mà bé chứng kiến thì tôi nói: xong rồi, hết rồi thì cháu cũng có bắt chước những từ này khi quan sát một sự việc kết thúc.
Bé rất thích tôi làm chim đại bàn vồ mồi, mỗi lần như thế thì bé chạy đến một người thân bất kỳ nào đó ở trong nhà và ôm lấy người đó và nhìn tôi, luôn miệng nói: đại bàn đây giống như tôi làm cho cháu xem
Như vậy là anh đang đi những bước thích hợp: chú trọng vào giao tiếp mắt, dậy cháu yêu cầu bằng lời nói, dậy những từ đơn giản bằng trò chơi cho cháu để ý... Anh cứ thực hiện tiếp trò chơi đại bàng anh nhé. Thay vì anh quyết định cắn mũi hay tay, anh dừng lại hỏi: "đại bàng cắn đâu bây giờ?" Mới đầu có thể cháu sẽ chỉ vào đầu, vào tay. Anh nói theo: "Cắn đầu hả? Cắn nè!" Sau vài lần, anh khuyến khích cháu nói theo.
Về hình thể, cháu xếp đúng là tốt. Mình biết là cháu có khả năng nhận dạng. Anh cứ tiếp tục dậy cháu tên hình nhé. Có khi một bài học chỉ cần một ngày, có khi cần đến nhiều tuần, nhiều tháng.
Hôm trước tôi có mua cho cháu trò chơi xe lửa, lúc đầu cháu rất thích và thường hay dùng tay chặn đoàn tàu lại, nhưng sau đó vài hôm thì không thích nhìn thấy đoàn tàu chạy nửa mà đòi lấy các thanh ray chơi xếp thành hàng chứ không tích xe lửa nửa, tôi thấy thế nên đã cất xe lửa và không cho cháu chơi nửa, tôi không biết lúc nào là thích hợp để mang món đồ chơi này ra nên vẫm còn cất.
Tôi có mua cho cháu trò chơi câu cá có nam châm, miệng cá có ốc bằng kim loại. Cháu rất thích lúc đầu cháu chưa câu được cá, nhưng máy ngày sau có thể cầm cần câu và câu được cá và cũng có vẽ thích trò chơi này. Nhưng cháu thường hay kết thúc chơi bằng việc xoay vòng đồ câu cá để dây cuốn lại hoặc đẫy như đẫy xe. Mỗi lần như thế thì tôi cất không cho chơi nửa và tìm thứ khác cho cháu.
Khi cháu chơi đồ chơi không thích hợp, anh đã cất những món đồ chơi ấy đi. Vậy là tốt anh ạ, mình muốn dậy cháu chủ đích của xe lửa, cần câu cá... mà. Thỉnh thoảng anh lấy ra, bầy ra, và tự chơi một cách thích thú. Cháu sẽ chạy đến chơi chung. Rồi khi cháu xếp thanh ray thì mình lại cất đi. Khi cất, anh nhớ giải thích lý do: "Con ơi, đường ray để xe lửa chạy, không phải để xếp thành hàng!"
Gần đây có một điều tôi thấy rất lo lá cháu thỉnh thoảng hay lấy tay đánh vào đầu mình(trước đây tôi cũng có yêu cầu cháu sờ vào đầu). Tôi phải làm sau với hành vi tiêu cực này?
Hoặc cháu nhìn thấy món đồ chơi của bạn ở trường thì đòi cho được, nếu không thì khóc hoặc chạy theo bạn giật đồ chơi, tôi phải cang thiệp là dừng cuộc chơi và đưa cháu về nhà.
Mỗi khi bị ai làm một việc gì đó trái ý thì bé thường tỏ ra rất tức giận, la hét và dùng tay chân đánh người làm bé giận.
Rất cám ơn các lời góp ý chân tình của các anh chị. Mong được nhiều lời góp ý của các bậc phụ huynh và các anh chị trong nhóm
Những hành vi tiêu cực, dù ở trạng thái nào hay mức độ nào, cũng cần can thiệp ngay.
Khi cháu đánh vào đầu, có thể có hai lý do: 1) cháu bị sưng tai, đau tai, 2) cháu bực bội vì không đòi được điều mình muốn, hay ngừoi khác không hiểu mình. Lý do thứ nhất thì phải có bác sĩ tai mũi họng lấy ống nhìn nhìn xem tai có đỏ bên trong không, có viêm không. Tôi đoán là phần nhiều cháu đánh vào đầu vì lý do thứ hai. Anh tìm một chiếc gối, và dậy cháu đánh vào gối thay vì đánh và đầu mình. Tôi có một bệnh nhân cũng ở tuổi con của anh, và lúc nào cũng có một cái gối nhỏ xíu (10cmx10cm) trong túi quần. Khi tức giận vì không lấy được đồ chơi, hay khi phải xếp hàng chờ đến phiên tuột cầu tuột, bé lấy gối và nhầu nhò thay vì thò tay đánh bạn. Để dậy bé đánh gối, anh lấy gối che đầu bé khi bé đang đánh vào đầu, và cầm tay bé đập vào gối. Anh cũng nói: "Không được đánh đầu. Gối đây!" Anh cũng chú ý là bé chỉ đánh gối này mà thôi, anh nhé.
Khi cháu dành đồ chơi và đánh bạn, anh can thiệp ngay là tuyệt vời. Nhưng anh đừng đưa cháu về nhà. Kỹ thuật là: đưa cháu ra khỏi tình thế ấy lập tức để dậy rằng "đánh bạn là không chấp nhận được, và bị phạt là không chơi nữa." Vì vậy, anh đưa cháu cách xa bạn, vào một góc, và cháu phải đứng đó với anh mà không tiếp tục chơi. Anh cho cháu đứng khoảng 3 phút (thời gian tăng lên trong những lần sau khi cháu đã hiểu rằng cháu sẽ bị phạt nếu đánh bạn). Trong khoảng thời gian này, anh nói: "Đánh bạn là xấu. Con bị phạt. Con phải đứng đây, không được chơi" nhưng anh KHÔNG nhìn mắt cháu. Nhìn nghĩa là quan tâm, là chú ý, mà cháu thì đang bị phạt.
Tôi khuyên anh không đưa cháu về nhà là vì cháu có thể hiểu lầm: à, đánh bạn thì ba không thích, nhưng không thích cũng chả sao, về nhà vẫn có đồ chơi! Có thể về nhà anh sẽ phạt, nhưng lúc ấy cháu quên mất rồi anh ạ. Có những cháu thì lại thích về nhà, nên được về nhà sau khi đánh bạn thì quá vui rồi!
Tôi có nói lần trước: cháu còn nhỏ, đánh không đau. Mai này cháu 14, 15 tuổi, đánh một cái mình đau cả tuần luôn! Tôi có cậu bệnh nhân 16 tuổi. Cậu bé kéo tay tôi: "Cô Nguyễn, tới coi nè". Vậy mà gân vai tôi trẹo luôn, ông hiệu trưởng phải chở tôi chạy ra bệnh viện với cái tay phải dơ thẳng sang bên trái như tập thể dục vậy. Anh cố gắng nghiêm nghị và kiên trì áp dụng những hình thức phạt cho cháu hiểu rằng cháu không được làm đau người khác nhé. Anh lợi dụng mỗi khi cháu bị con gì cắn, té ngã... và nói "đau" cho cháu hiểu đau là gì. Rồi khi mẹ hay người trong nhà đau, anh cũng nói "đau đó, đau lắm đó". Điều anh cần nhớ là độ chịu đau của cháu có thể rất khác với chúng ta. Rất nhiều bé tự kỷ không biết đau anh ạ. Anh để ý xem sao nhé.
Để can thiệp loại bỏ những hành vi tiêu cực, anh chuẩn bị tinh thần để thấy cháu khóc lóc, dẫy đạp, la hét. Anh cứ kiên nhẫn để áp dụng hình thức phạt, và không nhìn mắt cháu những lúc ấy. Ngoài ra, đừng bao giờ bỏ qua anh nhé. Nhường một lần, anh sẽ phải đi lại từ đầu đấy!
Chúc anh và bé có nhiều giờ học tích cực. Tôi hy vọng sẽ được nghe thêm về tiến bộ của bé.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK