Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóChào mừng bạn gia nhập diễn đàn.
Tôi là thành viên mới của Diễn đàn. Tôi có con trai 6 tuổi. Hôm nay là sinh nhật lần thứ 6 của cháu ( ngày 17/04/2003). Tôi sinh cháu hơi khó, cháu là con đầu, tôi đau bụng một ngày mới sinh cháu. Sau khi sinh một ngày thì bác sỹ chẩn đoán cháu bị vàng da sinh lý sớm và cho chiếu đèn. Khi cho cháu về nhà thì tôi thấy cháu cũng hay giật mình, tôi cũng băn khoăn thì được bà Dì của chồng bảo là trẻ con đều thế, nên cũng chủ quan không cho con đi khám.
Chị đau bụng một ngày, và cháu vàng da khi mới sinh, tôi không nghĩ là có gì phức tạp gây tác hại trên sức phát triển của cháu. Bà dì của chị cũng nói không sai khi bảo rằng cháu giật mình là bình thường. Thực ra thì trẻ con cũng có bé ngủ say, có bé hay giật mình. Là chuyên viên ngôn ngữ và thính giác, tôi tin rằng các em hay giật mình vì hai lý do: 1) hệ thần kinh của các em nhậy cảm, 2) thính giác của các em đón âm thanh thính hơn bình thường.
Cháu rất hiếu động, hay nghịch quạt và các thiết bị điện trong nhà. Hơn hai tuổi không thấy con nói, vợ chồng tôi cho cháu vào Viện Nhi khám và được các bác sỹ đánh giá là có vài nét tự kỷ. Vợ chồng tôi đã cho cháu đi học ở Trung tâm Hy vọng của Bác sỹ Hà - khoa phục hồi chức năng của Viện Nhi. Sau một tháng thấy con có nhiều biểu hiện rất lạ, vợ chồng tôi đã cho cháu nghỉ học và thuê cô giáo về nhà dạy thêm. Ban ngày chúng tôi vẫn cho cháu học bình thường ở trường mẫu giáo. Đến sinh nhật 3 tuổi thì cháu bắt đầu biết nói, tuy nhiên vẫn còn tăng động. Cháu tiếp thu khá nhanh nhưng cũng hay quên. Hiện nay cháu học 3 buổi tối ở nhà với cô giáo. Cháu biết nói nhiều tuy thỉnh thoảng vẫn còn bị nói ngược, hoặc diễn tả không đúng tình huống.Cháu viết và vẽ khá đẹp, cô giáo đã bắt đầu dạy cháu vào chương trình lớp một. Tôi cũng hy vọng là cháu có thể đi học được. Tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn rất băn khoăn vì cháu nhiều khi vẫn còn tăng động, nói lung tung không đúng ngữ cảnh, tập trung không được lâu. Buổi trưa ở lớp cháu không ngủ, hay xin phép ra ngoài đi vệ sinh. Cháu có em 1 tuổi rưỡi và thỉnh thoảng hay đánh em, hoặc khi em bé khóc cháu không chịu được nên hay đánh em. Tôi rất mong được các anh chị chuyên gia tư vấn để có thể nuôi dạy cháu tốt hơn và quan trọng nhất là để cháu có thể đi học được như các bạn cùng trang lứa.
Thưa chị, vậy thì ở Viện Nhi, kết quả là chỉ vài nét tự kỷ, chứ không phải rõ tự kỷ, phải không chị? Đó là những biểu hiện nào thế hả chị? Và khi cháu có biểu hiện lạ (sau một tháng ở Trung Tâm Hy Vọng - khoa phục hồi chức năng của Viện Nhi), đó là những biểu hiện nào? Xin chị chia xẻ để tôi biết rõ hơn về cháu.
Theo như chị mô tả, tôi nhìn thấy ba khó khăn chính:
1) hiếu động
2) hay quên
3) nói sai ngữ pháp
4) có thể khó chịu vì tiếng động
Về hiếu động, chị hãy tìm mua loại đồng hồ nấu ăn, tập cho cháu ngồi tập trung với bài vở theo thời gian nhất định. Khi đồng hồ reo thì cháu được nghỉ xả hơi rồi lại trở lại tiếp tục. Chị dựa trên thời lượng mà cháu đang ngồi được lâu nhất mà tập. Thí dụ, cháu ngồi lâu nhất là 15 phút, chị cài đồng hồ 15 phút cho cháu làm bài tập ở nhà. Rồi chị tăng dần thời gian lên. Sáu tuổi thì tôi thấy có cháu ngồi được nửa tiếng, 45 phút. Tuy nhiên, vì cháu hiếu động, chị có thể cho phép cháu ngồi 15 phút, nghỉ 2 phút, rồi lại 15 phút, nghỉ hai phút. Thời gian nghỉ này là để cháu đi một vòng, hay uống ly nước, hay chạy đến ôm mẹ một cái; và không phải để cháu đi chơi đồ chơi nửa tiếng đồng hồ.
Về trí nhớ, chị chưa tả rõ cháu hay quên thế nào: quên những gì mẹ vừa bảo chạy vào nói với bố, quên bài cô dậy hôm qua... Tôi hỏi thế vì có hai loại trí nhớ, chị ạ. Chị nói thêm cho tôi nghe nhé.
Về ngữ pháp, chị có thể dậy cháu đặt câu cho đúng. Chị dùng màu riêng biệt cho chủ từ, động từ, túc từ. Chị làm một lô chủ từ (bà, mẹ, bố, tôi, anh, chị...), một lô động từ và túc từ, rồi chơi trò đặt câu với cháu. Cháu sẽ rút mỗi màu một thẻ, và học xếp cho đúng thứ tự: chủ từ, động từ rồi túc từ.
Về tiếng động, chị để ý xem cháu có thính quá không. Khi em khóc, chị có thể dậy cháu bịt tai hay đi sang phòng khác thay vì đánh em. Trên máy bay hay có loại nút cao su để bịt tai khi ngủ, cháu có thể dùng NẾU cháu không bỏ chúng vào miệng nghịch. Chị cũng có thể mua headphone cho cháu đeo khi em khóc hay khi chung quanh ồn quá.
Chị nói thêm về cháu để tôi giúp cháu, chị nhé.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK