Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Xin chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan niệm của bạn để mọi người cùng học hỏi, khích lệ và đồng cảm với nhau.

Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » CN Tháng 5 03, 2009 11:17 pm

Kính gửi các anh chị trong Ban Quản trị,
Trước tiên, cho phép gia đình chúng tôi bày tỏ sự biết ơn đến sự giúp đỡ nhiệt tình, không vụ lợi của các anh, chị. Gia đình chúng tôi xin kính chúc các anh chị mạnh khỏe, tiếp tục triển khai dự án thành công.

Kể từ hôm đăng ký user, tôi cũng đã nhiều lần được các anh chị giải đáp trong các topic khác nhau. Nhưng vợ tôi thì nói, nếu đọc trong các topic lẻ thì vợ tôi toàn bị cảm giác bi quan xâm lấn :?: . Vì vậy, dù có nhiều vấn đề đã được các anh chị giải đáp trong các topic khác, chúng tôi xin mạn phép mở thêm 1 topic với các câu hỏi liên quan trực tiếp đến cháu nhà.

Kính mong các anh chị đồng ý và giúp đỡ.
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » CN Tháng 5 03, 2009 11:34 pm

Kính thưa các anh, chị
Cách đây vài tuần, tôi có gửi bài viết này lên 1 forum khác. Giờ, để tiết kiệm thời gian, xin phép cho paste lại:

Con gái tôi đã gần 29 tháng, chỉ bập bẹ mấy từ bà ,mẹ, ạ, bé ... hoặc là bắt chước đọc theo các từ 1 âm tiết có nguyên âm. Đi test Denver thì bác sỹ Hà kết luận là có nét tự kỷ (30 điểm), bên TT Sao Mai và B.sỹ Quý thì bảo thiểu năng trí tuệ (chậm nói) . Test sự tập trung, lần đầu được 46/54, lần sau được 62/54 (chỗ Bsỹ Hà).
Đối chiếu theo bài của anh My lăng thì thấy có mấy nét triệu chứng:

* Chậm nói, hay không nói.
* Ra dấu thay vì sử dụng ngôn ngữ.
* Không thích chơi đùa với bạn bè (bằng tuổi, chỉ thích chơi với các anh, chị lớn hơn)
* Khó ngủ.


Ngoài ra, sau khi làm Điện não đồ, bên Sao Mai thì chuẩn đoán cháu bị động kinh nhẹ. Bác sỹ Hà thì nói, do mẹ cháu có tiền sử bị bazedor (bướu cổ), cháu nên test để kiểm tra tăng cường tuyến giáp.
Thật buồn vì con gái tôi bị chậm nói (có nét tự kỷ). Ngẫm lại, gia đình đã sai về phương thức dạy cháu:
-Cho cháu xem TV nhiều quá (2-6h/ ngày) (Khổ, cháu xem TV thì ăn rất nhanh, rồi bà nội cháu, và có cả 1 số người làm trong ngành giáo dục vẫn nghĩ rằng xem TV nhiều, cháu sẽ nhanh học nói).
-Tuy hay nói chuyện, chơi đùa với cháu, nhưng không cương quyết bắt buộc cháu thể hiện nhu cầu của mình. Khi cháu đòi hỏi gì đó, chúng tôi có cố gắng bắt cháu phải bập bẹ nói, nhưng chỉ khoảng 3 lần mà cháu không nói là phần lớn mọi người lại đưa cho cháu. Hoặc khi bố nghiêm mặt, không cháu nghịch thì cháu lại chạy ra ôm bà hay mẹ khóc (chỉ dỗ thôi, nhưng không biết có đúng sư phạm không?)


-Chủ quan, cứ nghĩ rằng cháu là con đầu, lại nhanh biết đi (11 tháng đã chạy rồi) nên cứ nghĩ rằng cháu lười nói. Hồi cháu 18 tháng, gia đình cũng lo ngại cháu tự kỷ. Nhưng tự test thấy cháu vẫn chơi đùa với người lạ, các anh chị lớn hơn, đến cơ quan bố mẹ vẫn nhảy vào giữa đống trẻ con để nhảy, trong khi giao tiếp mắt vẫn nhìn mọi người, (thậm chí còn chủ động liếc - tôi vẫn đùa bé mà đã dại trai ) nên chỉ nghĩ cháu bị chậm nói. Rồi khi cháu 24 tháng, bận đợt Tết, không khẩn trương cho cháu đi khám.

Vấn đề với chúng tôi giờ là chữa bệnh cho cháu. Chúng tôi đang băn khoăn chọn phương án:
* Nếu học TT chuyên trị:
- Có đắn đo là cháu mới bị ở dạng nhẹ, nếu học chung với các cháu tự kỷ có nên không ?
- Cháu là con gái, toàn học chung với các bạn trai thì có ảnh hưởng gì đến giới tính?
- Chúng tôi cũng đã thăm cơ sở Hy vọng, Sao Mai: Cơ sở vật chất tạm ổn, nhưng không tiện đường của bố mẹ.
* Nếu cháu học tiếp ở trường mẫu giáo (cháu đã học 6 tháng):
- Sợ rằng các cháu đã biết nói không chơi với cháu thì fản tác dụng.
- Thêm nữa là ở trường bật TV nhiều quá, hơn 2h / ngày. (Chúng tôi biết TV cũng là 1 loại giáo cụ, nhưng các cô mầm non đang lạm dụng để khỏi phải trông các cháu.)
Chúng tôi đang suy nghĩ là tiếp tục cho cháu học trường mẫu giáo. Ngoài giờ thì tìm thuê cô giáo dạy nói cho cháu, nhưng cũng chưa biết tìm ở đâu ? Mấy hôm nay, ở nhà, chúng tôi đang:
- Cương quyết không cho cháu xem TV.
- Tập nói với cháu. Ví dụ, tập cho cháu gọi tên thức ăn, đồ vật, khi cháu có nhu cầu gì thì băt cháu gọi tên hành động, từng âm tiết 1.
- Cho cháu tham gia, hoặc chỉ cháu tự làm lấy các phần việc của mình (ví dụ như tập cho cháu tự cài dép ... cũng may, vì gia đình muốn cháu tự lập từ nhỏ, nên cũng bắt cháu tập làm việc từ bé rồi) .
Mới chỉ 1 tuần, tôi có cảm giác lạc quan. Cháu đã nói nhiều hơn, biết gọi tên bút, TV .... mặc dù vẫn còn ngọng. Khi mẹ cháu hát, rồi dừng lại chờ, cháu đã (bắt đầu) biết nói đế : anh, chị, cô, bác........... , biết dùng từ bye, bố, mẹ chủ động, đúng lúc.
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » T.Hai Tháng 5 04, 2009 12:02 am

Tròn 1 tháng kể từ khi cháu nhà được đưa đi khám. Trong 1 tháng qua, cháu hay ốm, lười ăn, táo bón, khó ngủ; gia đình vẫn cho cháu đi nhà trẻ bình thường. Ngoài ra, cháu có 3 buổi đi học can thiệp ngoài giờ.
Đến nay cháu làm được 1số việc sau:
- Gọi chủ động : bố H, mẹ H, anh Giang, anh Long .... Ngoài ra, cháu biết nói khoảng 30 từ đơn, biết phân biệt bố ăn cơm hay bún, biết con chim, con kiến, con cá... nói bắt chước (như vẹt) theo bố mẹ (khi bố mẹ yêu cầu).... biết đếm (như vẹt) từ 1-10... Tuy nhiên, nói chưa sõi. Ví dụ , gọi bố mẹ thì sõi, nhưng con chim thì gọi là im, Lam thì nói là am, con kiến thì là ký, cái thìa là thì ....
- Phân biệt được khoảng 10 màu. Tôi nghĩ vậy vì hôm qua, chơi với cháu, tôi cố tình đọc sai màu, thì cháu đã đọc sửa lại.
- Khi cháu khỏe, chơi với bố mẹ và anh chị, cháu nhìn vào mắt người đối diện khá lâu (15s :?: ). Tôi đã kiểm chứng bằng cách nhờ các anh hàng xom chơi ú òa với chàu và nhìn vào mắt cháu.
- Thể hiện 1 số nhu cầu, biểu hiện trạng thái: kêu thoại khi nhà có điện thoại, biết kếu au (đau) khi đau, gọi ước (nước) khi khát, kêu tè. Khi cháu có nhu cầu tiểu tiện, tôi thường chỉ cho cháu chỗ để bô, và cháu thường phần lớn tự thực hiện.
- Có thể sai vặt 1 số việc như khép cửa, tắt đèn, đầu DCD, TV, lấy báo... hoặc từ gài dép ...
Sửa lần cuối bởi Cá Cha vào ngày T.Hai Tháng 5 04, 2009 12:23 am với 1 lần sửa.
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Khoaiyeu » T.Hai Tháng 5 04, 2009 12:08 am

Xin phép lanh chanh một tí. Nếu bác sĩ Hà mà còn không kết luận cháu tự kỷ thì con anh chị chẳng tự kỷ gì đâu ạ.
Anh chị tập trung chơi với cháu là ổn thôi. Chớ có đến trung tâm nào ở HN cả, kẻo lại chậm thêm đấy.
Vì tương lai trẻ tự kỷ
www.tretuky.com
Khoaiyeu
 
Bài viết: 112
Ngày tham gia: T.Sáu Tháng 3 13, 2009 8:11 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » T.Hai Tháng 5 04, 2009 12:48 am

Sau 3 buổi học can thiệp của cháu, cô giáo có nhận xét sau:
- Giao tiếp mắt kém
- Thiếu tập trung.
Còn gia đình chúng tôi thì không hài lòng ở cháu các điểm sau:
- Lười ăn, khó ngủ. 30 tháng đến nơi mà chỉ nặng có 13kg (lúc 20 tháng cháu nặng gần 15kg). Dạo này, đêm cháu chỉ ngủ khoảng 3h đầu tiên thực sự là say, sau đó là bắt đầu gào thét, lăn lộn 2h nữa mới ngủ tiếp.
- Không chịu chơi với bạn cùng lứa hoặc các em bé hơn. Vẫn chơi với các anh chị lớn.
- Không nhìn vào mắt người lạ (có thể lúc đó cháu đang ốm)
- Không biết cháu thực sự thích cái gì. Có lần, cháu chơi câu cá, vợ chồng tôi phải thừa nhận là cháu rất kiên trì (hơn bố nhiều), câu bằng hết, nhưng chỉ 1 thời gian ngắn sau là chán. Chơi cái gì cũng chỉ 5-10 phút là chán, không chơi nữa. Có lẽ, bây giờ chỉ có cái TV là thu hút được cháu.
- Vận động tinh, vận động chéo còn kém (chúng tôi đang dạy cháu nhu nhảy lò cò, để 2 tay chéo 2 tai, nhảy sao cho 2 chận cùng chạm đất nhưng có vẻ đợt này cháu ốm nên không làm được).

Nhân đây, xin các anh chi tư vấn cho 2 vấn đề vợ tôi thắc mắc:
- Giao tiếp mắt: Vợ tôi cho rằng, khi trò chuện với các cháu bình thường, các cháu này cũng rất ít khi nhìn vào mắt người lớn, mà thường nhìn vào đồ vật hay hường tay chỉ.
- Thiếu tập trung: Trong môi trường lạ (nơi cháu học can thiệp) có nhiều đồ chơi lạ, con gái tôi với bản tính nhanh chán, khó mà ngồi yên mà chơi được.

Mong các chị giúp đỡ.
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » T.Hai Tháng 5 04, 2009 1:06 am

Khoaiyeu đã viết:Xin phép lanh chanh một tí. Nếu bác sĩ Hà mà còn không kết luận cháu tự kỷ thì con anh chị chẳng tự kỷ gì đâu ạ.
Anh chị tập trung chơi với cháu là ổn thôi. Chớ có đến trung tâm nào ở HN cả, kẻo lại chậm thêm đấy.

Thế này chị ạ, bác sĩ Hà kết luận cháu có nét tự kỷ (Test Denver được 30 điểm) bên Sao Mai và bác sĩ Quý đều không kết luận cháu tự kỷ, nhưng cả 3 nơi đều yêu cầu can thiệp ngôn ngữ. Ở chỗ bác sĩ Hà cháu làm test sự tập trung 2 lần. Lần đầu, cháu được 46/54 điểm, nhưng do mẹ cháu hoài nghi kết quả vì cho rằng cháu đang sợ bác sỹ, nên lần sau (làm sau đó 30') cháu đạt 62/54. Ngoài ra, bác sỹ Hà cho rằng cháu không có ham thích với đồ chơi và có đánh dấu vào mục cảm nhận xem trẻ có tự kỷ hay không ?
Gia đình chúng tôi luôn tôn trọng kết luận của các bác sỹ, nhưng có băn khoăn là bác sỹ chỉ có 30' quan sát trẻ trong môi trường lạ (trẻ con có fair đứa nào cũng dạn đâu), rồi lại dựa vào câu trả lời của gia đình (có nhiều câu bố mẹ không biết trả lời thế nào vì đúng là không để ý) thì liệu kết quả đánh giá có sát thực không? ( tuy nhiên, cũng fair xác nhận là gia đinh đã photocopy bảng đánh giá và nhờ các cô dạy trẻ đánh giá thì cháu đạt 30 điểm)
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Khoaiyeu » T.Hai Tháng 5 04, 2009 1:30 am

Test Denver không có thang điểm. Điểm 30 mà anh chị nói chắc là test CARS. Theo Cars dưới 30 là không tự kỷ, từ 30 đến 36 là tự kỷ nhẹ đến trung bình, từ 36 đến 60 là tự kỷ nặng.
Tuy nhiên 30 phút đánh giá quả là ít ỏi, tôi cũng chẳng tin đâu ạ. Nhưng thường bác sĩ VN kết luận theo hướng nghiêm trọng hơn. Cháu nhà anh chi nói có nét tự kỷ thôi thì khả năng là nhẹ hoặc không tự kỷ. Chỉ cần đề phòng cháu bị thoái triển thôi.
Chị Quí không bao giờ kết luận cháu nhỏ nào tự kỷ, chỉ nói cháu có nguy cơ thôi.
Nếu Sao Mai không kêt luận tự kỷ thì sao lại phải vào học cùng các cháu tự kỷ, down, bại não khác nhỉ? Anh chị can thiệp ngôn ngữ tại nhà cho cháu là tốt nhất.
CLB gia đình tự kỷ Hà nội sắp có buổi gặp mặt với chuyên gia nước ngoài về ngôn ngữ trị liệu đấy. Anh chị có thể tham khảo thêm.
Vì tương lai trẻ tự kỷ
www.tretuky.com
Khoaiyeu
 
Bài viết: 112
Ngày tham gia: T.Sáu Tháng 3 13, 2009 8:11 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 5 04, 2009 10:18 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chào cả nhà Cá. Tên của bé đẹp quá. Riêng tôi rất thích tên Lam (dù không phải vì thích tiếng hát Thanh Lam). :P

Qua những gì anh trình bầy, tôi không nghĩ là Khánh Lam ở dạng tự kỷ. Khi giao tiếp mắt kém, lăng xăng, thiếu chú ý... tôi đoán ra Dạng Thiếu Chú Y. Anh và chị đọc thêm bên Nguồn Liệu hay Bài Viết/Dịch về Hội chứng Thiếu Chú Ý Hiếu Động nhé. Ngoài ra, những biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ khá rõ: cháu nói chậm và nói ngọng. Anh chị cũng đang quan tâm đến khả năng giao tiếp mắt và thói quen ngủ. Về những lần khám 30 phút, tôi không dám phê bình tiêu chuẩn của hội đồng y khoa hay các bác sĩ bên ấy. Tôi chỉ có thể chia xẻ là mỗi chuyên viên trong nhóm chúng tôi bên này (giáo viên, tâm lý, ngôn ngữ, vận động) cần trung bình 120 phút, trong đó có quan sát thầm lặng khi trẻ chơi với người thân, quan sát thầm lặng khi trẻ sinh hoạt trong lớp, và thực hiện các bài tests. Mỗi chuyên viên phải thực hiện "một đống" test để còn so sánh kết quả của cùng một khả năng qua những bài test khác nhau. Riêng thời gian chúng tôi gọi nhau để hỏi, để bàn, rồi viết báo cáo và cuối cùng họp với phụ huynh thì... không kể nổi. Mà thôi, mỗi nơi có một cách hoạt động khác nhau, mình ở bầu thì tròn ở ống thì dài, miễn sao các em được can thiệp tốt nhất.

1. Thiếu Chú Ý: Các em có độ tập trung ngắn không hẳn đã có trí thông minh kém bạn bè. Vấn đề khó là phải tập trung thì mới học được ở lớp, mới làm việc được ở cơ quan. Vì vậy, khả năng thiếu chú ý thường khiến một cá nhân không đạt thành quả như khả năng hiểu biết của họ có thể đạt tới. Anh chị có thể tập khả năng này cho cháu bằng cách sử dụng đồng hồ nấu ăn để giúp cháu ngồi yên, tập trung. Điều khó khăn ở đây là những em thiếu chú ý có bộ não làm việc với tốc độ rất nhanh. Vì vậy, những gì chúng ta vẫn học, vẫn làm... trở thành quá chậm với các em. Đó cũng là lý do vì sao các em xem tivi, xem phim thì hiểu hết, mà đọc bài hay nghe giảng thì cứ ú a ú ớ. Khi đọc câu đầu hay nghe câu giảng đầu tiên xong, trí não các em đã theo tưởng tượng bay đi xa rồi! Còn tivi hay phim ảnh, độ thay đổi hình ảnh và màu sắc rất mau, nhất là những chương trình của Hoa Kỳ sản xuất.

Tôi cũng muốn nói với anh chị rằng không hẳn vì anh chị cho cháu xem tivi nhiều mà cháu chậm nói đâu. Đừng mang mặc cảm "không làm tròn bổn phận nuôi dậy con", anh chị nhé. Có bao nhiêu trẻ em khác vẫn coi tivi mà vẫn nói đấy thôi! Còn việc đi khám bệnh, đi can thiệp, anh chị cũng đã bắt đầu sớm. Anh nói với chị đừng bi quan nhé, phải để dành nghị lực cho con đường dài trước mặt nữa chứ!

Anh không cho cháu coi tivi, tôi tôn trọng quyết định của anh. Thực sự thì nhiều tivi quá, các cháu sẽ ù lì, thiếu hoạt động xã hội. Tuy nhiên, nếu anh có những chương trình nào xây dựng theo kiểu tương tác giữa người xem và người diễn, chúng sẽ tốt cho chau. Tôi thấy bên Mỹ có chương trình Dora the Explorer chẳng hạn, con bé Dora hỏi và chờ người xem trả lời, cũng y như chị hát rồi im lặng chờ Khánh Lam điền vào chỗ trống ấy! Nếu tiện, anh tìm loại game của điện toán nào có mục đích tương tự cũng hay. Thế giới của con cái chúng ta là thế giới của computer, cũng không nên bắt các cháu đoạn tuyệt với computer anh ạ! Vấn đề là tìm ra chương trình tốt, và giới hạn giờ giấc để chúng có thể giao tế, sinh hoạt ở ngoài xã hội.

Tóm lại, mục tiêu đầu tiên nên là khả năng tập trung. Anh tìm loại đồng hồ nấu ăn rồi cài giờ cho Lam. Mới đầu mình cài 5 phút thôi, sau tăng lên dần. Mới đầu Lam có thể khóc lóc, kệ, cũng phải tập thôi! Đầu tiên thì anh tìm những gì Lam thích làm, sau đó chen vào bài hoc.

Về dinh dưỡng, tôi tin là anh chị đã biết chất đường và soda không có lợi cho khả năng tập trung. Về thể dục, anh có thể cho cháu chạy nhảy, chơi những trò chơi sử dụng thể lực (dưới sự kèm cặp của anh để tránh nguy hiểm) NẾU cháu hiếu động. Có những em chỉ thiếu tập trung nhưng không hiếu động thì không cần thiết.

2. Lãnh vực thứ hai là ngôn ngữ. Lãnh vực này xin chia làm hai: khả năng phát âm (articulation) và khả năng bày tỏ (expressive language skills).
a. Phát âm: có vẻ như Lam thiếu những phụ âm. Bây giờ Lam gần ba tuổi, anh chị có thể bắt đầu bằng những phụ âm của tuổi này: b, p, m, k, g. (Anh chị xem thêm bên nguồn liệu nhé). Anh chị lập một bảng chữ với những phụ âm này để dùng đi dùng lại cho đến khi Lam thuần thục. Ở mức dễ nhất, anh dậy Lam bậm môi (b, p, m) và đóng cuối họng (k, g), và nhả hơi thoát âm. Lúc này chỉ là bờ, pờ, mờ, kờ, gờ mà chưa ghép nguyên âm nào đằng sau. Để dậy k, g, anh có thể đưa cháu đi đánh răng và anh ngậm nước rồi đóng cuối họng như mình súc nước muối vậy. Anh chị cũng có thể lấy tí đường, hay mứt để vào đầu bông gòn (đầu tăm sợ nguy hiểm) đưa vào những vòm họng của cháu, ở phần cuối gần lưỡi gà, để dậy cháu đâu là vị trí quan trọng của âm k và g.

Khi Lam đã thuần những phụ âm này, mình sẽ ghép phụ âm với một nguyên âm. Nguyên âm dễ nhất để bắt đầu là a: ba, bá, bà, má, ma, mạ, cá, gà... Tuy nhiên, anh chị cũng có thể đi những nguyên âm khó khác vì tôi thấy anh nói Lam nói được cả "ước" trong từ "nước".

Tập nói, học hành... của tuổi thơ cần được khen, được thưởng. Anh chị chuẩn bị một số quà để thưởng cho Lam nhé, chỉ cần tránh đồ ngọt hay thức ăn béo vì sức khỏe của cháu thôi. Quà thưởng đừng đợi đến cuối giờ học vì đối với các bé như vậy là lâu quá. Cứ chịu nói thì thưởng liền thôi! Tôi hay lấy những miếng bánh mà bẻ ra nhỏ xíu và bị mấy cô giáo ghẹo là "keo quá" nhưng nếu cho nhiều thì mất bữa ăn chính của trẻ. Lời khen hay những tràng pháo tay cũng là những gì trẻ thích thú.

b. Bày tỏ ngôn ngữ: Điểm tôi xin lưu ý anh chị ở đây là khả năng bày tỏ ngôn ngữ của Khánh Lam đang yếu, mà cháu lại ngọng. Đôi khi cháu đang nói, chúng ta lại ngăn lại để sửa phần phát âm! Anh chị cố gắng để hai khả năng này tách nhau nhé: Lam hăng say nói nhưng ngọng líu lo, anh chị cứ để cháu nói, và anh chị làm mẫu lại cho đúng nhưng không bắt cháu nói lại. Thí dụ: "À, con nói Nước phải không? Nước, nước!" Ở giờ tập phát âm, chúng ta mới tập phát âm. Lý do tôi đề nghị thế vì tôi không muốn Lam vừa tập diễn tả lại vừa e ngại: "Ôi, thế nào rồi mình cũng bị chặn lại để phát âm lại, vậy mình chẳng nói nữa đâu!"

Anh chị đừng để ai nhại Lam khi Lam nói ngọng, đừng để ai vì thấy giọng Lam dễ thương mà cười dù là cười thích thú hay chế nhạo. Khi cần phải xác định điều Lam nói, anh chị nhớ hỏi Lam trước. Thí dụ, Lam đi nha sĩ, nha sĩ hỏi con đau bên nào, Lam bảo "ên ày". Nha sĩ tròn mắt, anh chị đừng nói ngay giùm Lam, mà hỏi Lam "Con nói bên này phải không?" Câu hỏi này trở thành câu trả lời gián tiếp cho nha sĩ, và cũng mang mục đích dậy cho Lam rằng chính Lam vẫn chịu trách nhiệm chính để xác nhận ý tưởng, thay vì bố mẹ nói cho Lam. Có những người lớn chung quanh sẽ quay sang hỏi anh chị: "Cháu nói gì đấy nhi?" Anh chị vẫn quay sang Lam: "Có phải con nói là... không?"

Anh chị có thể tập cho Lam trả lời câu hỏi đơn giản: Phải áo này màu hồng không? Tóc con có dài không? Con thích ăn phở hay ăn cơm? Anh chị có thể lấy hình ảnh đơn giản và tập cho Lam mô tả: À, con mèo đang cào, con heo đang ăn, con chó đang sủa, vân vân. Anh chị có thể lập bảng từ mà Lam đã biết, rồi từ đó mà nối câu cho dài ra. Thí dụ, Lam biết tên các anh, biết hình bà nội, bố mẹ... nên anh có thể lấy hình của gia đình và bảo Lam mô tả hay trả lời câu hỏi. Đây là kỹ thuật "bắt đầu từ trình độ đang có". Starting at comfort zone!

3. Giao tiếp mắt: cô Cá Mẹ nhà anh nói không sai về giao tiếp mắt đâu, vì cả trẻ con lẫn người lớn chúng ta gọi là có giao tiếp mắt nhưng không phải lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào người nói. Văn hóa Việt Nam còn cho rằng nhìn chăm chắm vào người lớn là thái độ thất lễ nữa. Anh chị đọc thêm bên BÀi Viết sẽ thấy một số gợi ý về giao tiếp mắt. Kỹ năng này khó dậy vì trẻ con chưa hiểu khi nào thì không cần nhìn vào người đang nói chuyện với mình nữa, và khi nào thì lại liếc nhìn họ một chút. Vì thế, chúng ta vẫn dậy các em nhìn chúng ta cho đến khi chúng ta nói xong. (Và tôi hy vọng là anh chị không có nguyên một bài giảng 5 phút cho Lam. :P ). Những em thiếu chú ý lại càng cần khả năng giao tiếp mắt để giữ được độ tập trung.

Anh chị có thể sẽ phải giữ lấy mặt Lam hướng về phía anh chị, và chỉ thả tay ra khi đã nói xong. Anh có thể thấy dù anh đã giữ lấy mặt của Lam, mà mắt Lam vẫn cứ liếc đi chỗ khác. Cái này thì không phải tại "dại trai" hay "dại cá Cha" nhé! ;) Khi cho Lam xem hình, anh chị có thể đưa hình theo mắt Lam thay vì đòi hỏi Lam phải nhìn xuống bàn.

4. Khó ngủ: Ôi đây là nỗi đau đầu của nhiều phụ huynh. Khi Lam thức dậy và la khóc, anh chị đành phải "kệ" Lam thôi! Đừng mở đèn, đừng cho cháu rời khỏi giường, đừng lấy đồ chơi cho cháu chơi. Tôi biết là phụ huynh còn phải đi làm vào sáng mai, nên gồng ban đêm với con là điều rất khó khăn. Nhưng nếu chúng ta đưa đồ chơi để cháu ngồi trên giường chơi cho chúng ta ngủ, các em sẽ mãi mãi bị xáo trộn giấc ngủ. Anh chị cố gắng giữ cháu trong giường, đèn tắt, không đồ chơi đồ ăn, không ai nói chuyện.... Không phải một sớm một chiều mà cháu có thể ngủ nhiều đâu, mong anh chị kiên nhẫn.

Tôi có hỏi là Lam có tăng động không. Nếu có, anh chị cho cháu tập thể dục, đi bộ, chạy nhảy ban ngày để lượng calo không làm phiền cháu ban đêm. Đừng cho cháu ăn trễ quá. Nên tránh đường, soda, cafein. Trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, anh cho cháu hoạt động nhè nhẹ thôi: không tivi, không ồn ào, không nhẩy tưng tưng, không đùa quá... Tất cả là để chuẩn bị cho bộ não và cơ thể cháu lắng xuống.

5. Sử dụng thuốc: Tôi thêm vào phần này để anh chị có thêm tư liệu. Một số phụ huynh chọn cho con uống thuốc để con bớt tăng động, chú ý hơn. Có phụ huynh thấy thuốc khiến trẻ ngủ ngon hơn (cũng vì độ hiếu động giảm đi). Cá nhân tôi không phản đối việc sử dụng thuốc, cũng không ủng hộ. Nếu một bệnh nhân thiếu chú ý hiếu động và đang đạt điểm 3/10, nhưng có thể đạt điểm 8/10 khi uống thuốc, tôi nghĩ rằng bệnh nhân ấy nên uống thuốc. Nếu uống thuốc để điểm học từ 7 lên 8, hay 5 lên 6 thì không. Tôi có thằng cháu gọi bằng dì, sau khi uống thuốc thì ngoan hẳn ra, hết phá những trò tai ác, hết nhảy tưng tưng, học khá hẳn lên. Bây giờ nó đã vào đại học, đi làm và không còn uống thuốc từ lâu lắm rồi. Tôi cũng có những bệnh nhân mà cả ban giám hiệu và y khoa đều đề nghị cho thuốc, nhưng cha mẹ của em ấy từ chối, và chúng tôi thì không cách nào dậy được em ở mức chúng tôi mong đợi vì em hiếu động nặng quá. Ngoài ra, tôi cũng có em bệnh nhân uống thuốc thì hiền hẳn đi, nhưng trí não chậm phát triển của em cũng chẳng giúp em học được gì cả. Tôi có nói chuyện với vị bác sĩ của em để đề nghị bỏ thuốc nhưng ông ấy cười tôi, và bảo tôi biết gì về y khoa mà góp ý. Biết làm sao hơn, tôi không có văn bằng y khoa nhưng tôi là người nhìn thấy bệnh nhân của mình thay đổi vì thuốc: đi đứng loạng choạng, không còn cảm tính về không gian chung quanh, đụng cái này vấp cái kia, trí hiểu thì lơ mơ hẳn (dù trước đó đã lơ mơ đủ để mang tên bệnh chậm trí).

Mẹ của Quốc Huy trong diễn đàn này cho biết con của chị ấy uống thuốc thì ngủ ngon, và quyết định cho cháu tiếp tục. Tôi nghĩ rằng nên tiếp tục nếu sau này bỏ thuốc thì vẫn ngủ ngon. Tuy nhiên, cái nếu này chẳng ai bảo đảm được. Vì vậy, đành phải thử xem sao.

Khánh Lam còn bé, tôi nghĩ mình phải nỗ lực vài năm rồi mới nghĩ tới chuyện náy. Và hy vọng là mình không phải vương vấn gì nếu Lam đáp ứng tốt với can thiệp.

6. Trường học:

Vấn đề với chúng tôi giờ là chữa bệnh cho cháu. Chúng tôi đang băn khoăn chọn phương án:
* Nếu học TT chuyên trị:
- Có đắn đo là cháu mới bị ở dạng nhẹ, nếu học chung với các cháu tự kỷ có nên không ?
- Cháu là con gái, toàn học chung với các bạn trai thì có ảnh hưởng gì đến giới tính?
- Chúng tôi cũng đã thăm cơ sở Hy vọng, Sao Mai: Cơ sở vật chất tạm ổn, nhưng không tiện đường của bố mẹ.
* Nếu cháu học tiếp ở trường mẫu giáo (cháu đã học 6 tháng):
- Sợ rằng các cháu đã biết nói không chơi với cháu thì fản tác dụng.
- Thêm nữa là ở trường bật TV nhiều quá, hơn 2h / ngày. (Chúng tôi biết TV cũng là 1 loại giáo cụ, nhưng các cô mầm non đang lạm dụng để khỏi phải trông các cháu.)
Chúng tôi đang suy nghĩ là tiếp tục cho cháu học trường mẫu giáo. Ngoài giờ thì tìm thuê cô giáo dạy nói cho cháu, nhưng cũng chưa biết tìm ở đâu ? Mấy hôm nay, ở nhà, chúng tôi đang:
- Cương quyết không cho cháu xem TV.
- Tập nói với cháu. Ví dụ, tập cho cháu gọi tên thức ăn, đồ vật, khi cháu có nhu cầu gì thì băt cháu gọi tên hành động, từng âm tiết 1.
- Cho cháu tham gia, hoặc chỉ cháu tự làm lấy các phần việc của mình (ví dụ như tập cho cháu tự cài dép ... cũng may, vì gia đình muốn cháu tự lập từ nhỏ, nên cũng bắt cháu tập làm việc từ bé rồi)


Nếu anh có thể tìm ra lớp cho các cháu chậm nói mà thôi, đó sẽ là môi trường tốt nhất. Có một nơi khác mà tôi e rằng anh chị sẽ ngại: cho cháu học cùng các cháu down. Các cháu Down có khả năng ngôn ngữ và biểu tỏ tình cảm rất tốt. Về giao tế, các cháu Down khá hơn các cháu TK. Lam sẽ học được khả năng ngôn ngữ từ các bạn, và không bị các bạn tẩy chay (các em Down tình cảm lắm).

Nếu Lam phải học ở lớp tự kỷ, chẳng sao, miễn là bài học của Lam thích hợp với yếu điểm của Lam. Lớp toàn con trai cũng chả sao anh ạ. Ở tuổi này không có gì đáng lo, mai mốt khi Lam ở tuổi 13, 14 mình sẽ phải để ý.

Khi anh muốn đưa Lam vào mẫu giáo, các bạn chung quanh nói nhiều cho Lam học là tốt, nhưng anh cũng lo ngại đúng: sợ các bạn vượt quá khả năng Lam và không chơi với Lam. Nếu anh tìm ra người bạn tốt cho Lam thì không sao, nhưng rất khó tìm ra một đứa bé 3, 4 tuổi biết chiều chuộng và hỗ trợ cho Lam. Trẻ con ham chơi, thấy Lam lúng túng, chậm chạp, chúng chạy đi chơi với bạn khác thôi!

Vấn đề quan trọng nhất là cô giáo là ai, có đáp ứng nhu cầu của Lam không, chương trình học có thích hợp với những yếu điểm và ưu điểm của Lam không. Việc trường học mở tivi đến 2 tiếng một ngày thì không hay rồi, nhưng cho xem phim, rồi hỏi câu hỏi, kể lại câu chuyện... thì lại tốt. Tôi hy vọng họ không để tivi hai tiếng liền, và không áp dụng gì về những thứ các bé xem thấy.

Tôi nghĩ anh chị có thể cho cháu đi chuyên trị, nhưng bám sát với cô giáo và nhà trường để kế hoạch can thiệp thích hợp với Lam. Không biết nhà trường khi nhận trẻ thì có lên bảng kế hoạch can thiệp không hả anh? Nếu có thì tốt đấy: 3 tháng này học gì, 3 tháng tới học gì, đo độ tiến triển và báo cáo cho phụ huynh bằng cách nào và lúc nào, vân vân. Anh thử hỏi xem họ có chịu làm thế không?

Việc tìm giáo viên kèm thêm, nếu không tìm ra, anh chị dậy cho cháu đi! Tôi tin là anh chị có thể làm được. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng tất cả những gì có thể. Hơn nữa, Lam đã bắt đầu nói, không có gì tuyệt vọng đâu!

7. Khả năng vận động: Tôi có cảm giác là anh chị lo quá, chứ Lam đã biết cài giầy, biết tắt đèn, tắt đầu DVD, khép cửa... mà chưa đến 3 tuổi. Anh chị cứ tập cho cháu lò cò, hai tay bắt chéo tai, nhảy hai chân co lên.. nhưng không cần lo quá, anh chị nhé!

Có gì anh chị cứ vào diễn đàn, chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ anh nhắn với chị đừng bi quan khi đọc diễn đàn vì diễn đàn có nhiều mẹo vặt và cách can thiệp thành công từ các phụ huynh khác, rất lý thú.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » T.Năm Tháng 5 07, 2009 1:32 am

Kính chào chị Tường Anh
Chào cả nhà Cá. Tên của bé đẹp quá. Riêng tôi rất thích tên Lam (dù không phải vì thích tiếng hát Thanh Lam)
Anh nói với chị đừng bi quan nhé, phải để dành nghị lực cho con đường dài trước mặt nữa chứ!.
Nhờ anh nhắn với chị đừng bi quan khi đọc diễn đàn vì diễn đàn có nhiều mẹo vặt và cách can thiệp thành công từ các phụ huynh khác, rất lý thú

Gia đình chúng tôi rất cảm kích và xin cảm ơn sự tư vấn tận tâm, kịp thời của chị. Cá mẹ đã in bài viết của chị ra 6 trang A4, rồi suýt xoa cảm ơn bác tâm lý, nhiệt tình.
Cá con mấy hôm nay đã khỏe hơn, nói được nhiều hơn.
Qua những gì anh trình bầy, tôi không nghĩ là Khánh Lam ở dạng tự kỷ. Khi giao tiếp mắt kém, lăng xăng, thiếu chú ý...
Thiếu Chú Ý: Các em có độ tập trung ngắn không hẳn đã có trí thông minh kém bạn bè. Vấn đề khó là phải tập trung thì mới học được ở lớp, mới làm việc được ở cơ quan

Suy nghĩ của chị làm gia đinh chúng tôi sôi động hẳn lên. Vậy là bớt đi nỗi ám ảnh về sự tự kỷ của cá con. Thêm nữa, tìm ra nguyên nhân Cá Cha tự hào với Cá mẹ là rất hiểu biết mà sao lại có ít tiền vậy, chắc là do thiếu chú ý :mrgreen: Tuy nhiên, lại dấy lên tranh luận thế nào là thiếu chú ý? Khác biệt Biểu hiện thiếu chú ý ở trẻ bình thường và trẻ có khiếm khuyết ? Bản thân Cá con nhà tôi bình thường chơi không trò gì quá 10' nhưng hôm qua lại ngồi vẽ với mẹ cả 15' mà vẫn muốn chơi tiếp.
2. Lãnh vực thứ hai là ngôn ngữ
Phát âm: có vẻ như Lam thiếu những phụ âm.Khi Lam đã thuần những phụ âm này, mình sẽ ghép phụ âm với một nguyên âm. Nguyên âm dễ nhất để bắt đầu là a: ba, bá, bà, má, ma, mạ, cá, gà...

Thực ra, cháu nhà đã phát âm khá tốt các từ có 1 phụ âm kèm 1 nguyên âm như bà, bé, cá, bố, mẹ, ông ..... Điều chưa tốt là tính thiếu ổn định trong phát âm của cháu. Ví dụ, khi có bố me tập, cháu nói khá sõi các từ vàng, trắng, nhưng chỉ 1 lúc hỏi lại là mất ngay phụ âm đầu. Cả nhà đã được phổ biến là không nhại lại tiếng cháu, nghe thấy cháu nói sai sẽ ngay lập tức đọc lại cho đúng...
Tập nói, học hành... của tuổi thơ cần được khen, được thưởng

Cái khó với chúng tôi là không biết cháu thích gì để thưởng. Mỗi khi cháu làm gì đúng, gia đinh có khen và hoan hô. Giờ thì có khi cháu vừa làm xong đã tự vỗ tay 'hô, hô" rồi :lol:
Hôm qua, nhà có đĩa xoài, cháu chỉ vào đĩa xoài kêu " ăm, ăm", nghĩ mãi mới ra, rồi áp dụng bài của chị, tôi hỏi " con muốn lấy tăm à? ", thì gật đầu kêu " tăm"...

Tôi có hỏi là Lam có tăng động không ?

Nói thật với chị là gia đình chúng tôi cũng chưa tìm hiểu định nghĩa tăng động là gì. Đại khái là trừ lúc cháu mệt thì cháu chơi luôn chân, luôn tay, và giờ thì trừ khi xem TV thì cũng bắt đầu luôn mồm luôn. Nhưng gia đình thấy cháu chơi bình thường, không có vẻ gì là "nghịch như con trai" cả.
6. Trường học: Nếu anh có thể tìm ra lớp cho các cháu chậm nói mà thôi, đó sẽ là môi trường tốt nhất. Có một nơi khác mà tôi e rằng anh chị sẽ ngại: cho cháu học cùng các cháu down. Các cháu Down có khả năng ngôn ngữ và biểu tỏ tình cảm rất tốt. Về giao tế, các cháu Down khá hơn các cháu TK. Lam sẽ học được khả năng ngôn ngữ từ các bạn, và không bị các bạn tẩy chay

Thưa chị, chúng tôi cũng có lưu tâm tìm lớp riêng cho các cháu chậm nói, nhưng ở HN không có. Thêm nữa, là học chung với các cháu khuyết tật khác thì gia đình thấy cháu chưa đến mức như thế, vừa không tiện cho bố mẹ. Hiện gia đình đang đi tìm cố giáo đến nhà nhưng chưa được.
Cá con vẫn đang học mẫu giáo bình thường. Trường công, lớp có 18 cháu, 2 cô trông, học phí khoảng 20$ / tháng, lại gần nhà nên khá tiện. Chúng tôi cũng có đặt vấn đề nhờ cô giáo quan tâm hơn như giúp cháu ăn, quay lại (bằng điện thoại) xem cháu sinh hoạt trong lớp như thế nào .... Tuy nhiên, các cô chỉ là người giữ trẻ biết dạy trẻ hát, múa nên chúng tôi vẫn xác định dạy ở nhà là chính. Vợ tôi băn khoăn có cần phải thiết lập 1 buổi học nghiêm túc với bàn ghế không ? Lý do là những gì Mẹ cá dạy cá con đến nay toàn thông qua chơi. Ví dụ, mẹ cháu chơi nặn đất sét, và dạy cháu nhận mặt chữ a, o, u, e (trước đó, nhà đã cho cháu chơi xếp chữ bảng chữ cái rồi )

Một thắc mắc nữa là tại sao từ bé, cháu chỉ thích chơi với các anh chị lớn hơn chứ không thích chơi với bạn? ( có thể nói là cháu chỉ chơi cạnh chứ không chơi cùng )
Có gì anh chị cứ vào diễn đàn, chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ vào diên đàn để mọng nhận được sự tư vấn của chị. Chúng tôi đã xác định, thay vì để đến 3-4 tuổi mới dạy cháu thì bây giờ mình dạy luôn. Trong diễn đàn, có nhiều mẹo hay có thể áp dụng cho cả trẻ bình thường mà chị .
Cầu ơn trên ban phước lành cho chị và gia đình .
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Re: Khánh Lam - sinh tháng 11/06 - Chậm nói

Gửi bàigửi bởi Cá Cha » T.Năm Tháng 5 07, 2009 1:44 am

Nguyen,Anh đã viết:Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chào cả nhà Cá. Tên của bé đẹp quá. Riêng tôi rất thích tên Lam (dù không phải vì thích tiếng hát Thanh Lam). :P


Cảm ơn chị, vợ tôi sướng lắm. Từ hồi đặt tên cho con, giờ mới có người khen tên con đẹp :mrgreen:
Tên cháu là kết quả của việc bố mẹ cháu viết ra khoảng 80 cái tên, lọc ra , rồi lại trừ đi những tên người thân mình đã cướp mất. Vậy mà bao người lúc thì viết Lan, lúc thì là Nam làm mẹ cháu bực, chỉ muốn đổi tên khác cho cháu .
May mà có bác khen :mrgreen:
Cá Cha
 
Bài viết: 57
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 4 21, 2009 8:34 pm

Trang kế tiếp

Quay về Chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ, điều trị cho bé...

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.19 khách.

cron